Ngành thủy sản đang tích cực chuyển đổi xanh
Theo dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn.
Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Do đó, những hoạt động thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường thời điểm này là rất cấp thiết.
Việc chuyển đổi xanh hóa ngành thủy sản không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng mà còn là một cách bảo vệ môi trường sống. |
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết: Chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm: mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý hiệu quả tất cả nghề cá; nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.
Được biết, theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2045 là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
Theo đó ngành nông nghiệp nói chung và các địa phương trên cả nước đã đưa ra những chiến lược để phát triển bền vững ngành thủy sản. Đơn cử tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện Hòn Đất, tổng diện tích vùng dự án khoảng 5.500ha, thực hiện trong 3 năm (từ 2023-2026) với tổng mức đầu tư dự án lên tới 624 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn ngân sách tỉnh đối ứng.
Tương tự, tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản giá trị cao với mô hình tôm-rừng kết hợp. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng, Hiện Cà Mau đang có trên 27.500ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…). Hiện nay, sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Ở tầm vĩ mô, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng; phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học...
Còn thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp
Đối với cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho hay, chuyển dịch chiến lược theo hướng xanh là xu thế của nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn… về môi trường. Việc theo đuổi chiến lược này tác động mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh đạt được và hiệu suất tài chính của các doanh nghiệp.
“Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không phải ngay lập tức giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất tài chính tốt mà cần thời gian để doanh nghiệp tạo dựng và phát triển được lợi thế cạnh tranh. Khi doanh nghiệp đã đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thì lúc đó doanh nghiệp mới đạt được hiệu suất tài chính. Nói cách khác, để có thể đạt được hiệu suất tài chính mong muốn trên thị trường xuất khẩu qua theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh đòi hỏi sự đầu tư về mặt thời gian qua tạo dựng và phát triển lợi thế cạnh tranh”- ông Hòe cho biết thêm.
Minh chứng cho thấy theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp có dấu ấn về lợi thế cạnh tranh đạt được mà còn tăng cường hiệu suất tài chính, các nhà quản lý doanh nghiệp chế biến thủy sản nên chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để nắm giữ những lợi thế này và tăng cường năng lực cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để áp dụng một chiến lược như vậy, “sự nhạy cảm đối với vấn đề môi trường” của các nhà quản lý đóng vai trò tiên quyết nên các nhà quản lý cần tăng cường tính nhạy cảm và cam kết đối với các vấn đề xanh, đặc biệt là trong phòng/ban xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trước yêu cầu đó, ông Hòe khuyến nghị: Lãnh đạo doanh nghiệp cần thiết lập một bộ giá trị thích hợp (ví dụ: Tính bền vững, khả năng tái chế…) giữa các nhân viên, tạo điều kiện nuôi dưỡng và phát triển tư duy xanh trong công ty. Hướng tới mục tiêu này, doanh nghiệp nên xây dựng các chương trình đào tạo “xanh”, khuyến khích việc áp dụng các “thực hành xanh” trong từng bộ phận chức năng khác nhau của doanh nghiệp. Song song đó áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến sinh thái, môi trường như ISO 14001 cũng sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên một môi trường khuyến khích việc ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh trong doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan, ban ngành có liên quan, theo ông Hòe, các cơ quan ban ngành có liên quan nên tổ chức các chương trình đào tạo, các khóa học, tập trung vào các vấn đề sinh thái và đưa ra các tình huống thực tế tiêu biểu thành công trong xuất khẩu khi theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh. Ngoài ra, việc cập nhật và phổ biến thông tin về các quy định, tiêu chuẩn, thực tiễn cạnh tranh gắn với yếu tố xanh, sinh thái trong xuất khẩu thuỷ sản trên từng thị trường cụ thể cần được thường xuyên quan tâm…