Nhạc sĩ Hồng Đăng - người nghệ sỹ tài hoa, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã qua đời
Thông tin từ gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, ông qua đời lúc 5h57 phút sáng nay (21/3) tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (tên thật là Phan Đăng Hồng) sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Ông là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Từ nhỏ, ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay có tên "Đời học sinh". Ca khúc được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích.
Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao...
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: KT
Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 - dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...
Đặc biệt, ca khúc "Hoa sữa" được ông viết trong nhạc phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau Tháng Chạp "Điện Biên Phủ trên không" đã lay động trái tim triệu người dân nước Việt. "Hoa sữa" đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá, ở "Hoa sữa" là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường ra mặt trận biên giới. Giai điệu của Hồng Đăng đã làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi: "Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên"…
Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy...
Nhạc sĩ Hồng Đăng là người có công trong việc khởi xướng Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam và chính ông cũng được vinh danh trong Con đường âm nhạc năm 2000. Ngày 28/10/2021, ông được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô./.