‘Cuộc chiến’ chống hàng giả trông chờ doanh nghiệp dùng công nghệ cao hơn
Vấn nạn làm giả sâm Ngọc Linh đến mức báo động đã buộc phía doanh nghiệp sở hữu hàng thật phải dùng đến công nghệ số để truy xuất nguồn gốc nhằm “khoá chặt” tình trạng này. Đây cũng là điều để các nhà sản xuất chân chính cần lưu tâm, nếu không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng.
Có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả. Điều này dẫn đến hệ luỵ rất lớn đối với loại sâm quý hiếm được mệnh danh là “bảo vật quốc gia” một khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả.
Lấy lại uy tín cho “bảo vật quốc gia”
Đây là thông tin được bà Trần Hoàng Kim Anh, Phó tổng giám đốc thương hiệu Pn’s Choice thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh V.N, chia sẻ tại hội thảo bàn về giải pháp ngăn chặn thuốc và thực phẩm chức năng giả tổ chức tại Tp.HCM ngày 22/9.
Việc gắn chip và tem chống giả theo công nghệ cao hơn lên sản phẩm thật được kỳ vọng sẽ giúp các nhà sản xuất chân chính ngăn chặn được hàng giả. |
Theo bà Kim Anh, do sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế khiến cho loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Thậm chí, ngay cả cây giống cũng bị làm giả. Nếu nông dân mua nhầm cây giống sâm Ngọc Linh giả (đa phần là cây Tam thất), cái giá phải trả quá lớn vì sau 5 năm, mọi thứ gần như mất trắng khi thu hoạch.
Câu hỏi đặt ra là phía doanh nghiệp (DN) đã và đang làm gì để ngăn chặn tình trạng tràn lan cây giống sâm Ngọc Linh giả như vậy? Trao đổi với VnBusiness, bà Kim Anh cho biết phía công ty thời gian gần đây đã gắn chip True Data (một giải pháp sử dụng công nghệ số). Đây là bước đột phá về công nghệ chống giả nhằm lấy lại uy tín cho “bảo vật quốc gia”.
Cụ thể, mỗi cây sâm Ngọc Linh được gắn chip sẽ ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu vực trồng. Mỗi cây được gắn chip để theo vết. Bà con nông dân khi mua giống từ phía công ty sẽ được đảm bảo nguồn gốc cây giống thật và được bảo hiểm nếu cây giống không đúng với chất lượng.
“Mặc dù áp dụng công nghệ chống hàng giả vào mỗi cây giống và mỗi sản phẩm là tương đối tốn kém, nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó để bảo vệ thương hiệu của mình không phải là những DN sẽ cung cấp các sản phẩm giả, cây giống kém chất lượng. Đó cũng là minh chứng cho khách hàng rằng sản phẩm, cây giống sâm Ngọc Linh của công ty có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, bà Kim Anh nói.
Bên cạnh đó, theo Phó tổng giám đốc thương hiệu Pn’s Choice, nguyên liệu sâm Ngọc Linh để chế biến được bộ phận thu mua dùng công nghệ True Data để kiểm tra chính xác nguyên liệu được trồng từ cây giống do công ty cung cấp. Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Và cứ mỗi sản phẩm giá trị gia tăng từ sâm Ngọc Linh của công ty được gắn chip sau chế biến được bảo hiểm mua hàng chính hãng.
Với công nghệ chống giả như nêu trên, sự đồng hành của định chế tài chính với bảo hiểm mua hàng chính hãng cũng là điều cần lưu tâm. Như trường hợp của sâm Ngọc Linh thì Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là định chế tài chính đồng hành cùng giải pháp này để đảm bảo với ngươi dùng rằng các sản phẩm sử dụng công nghệ là tin cậy và người dùng được bảo hiểm.
Giải pháp truy xuất nguồn gốc giúp bảo vệ hàng thật
Ông Nguyễn Bùi Nam Quân, Phó giám đốc PTI Thủ Đức, cho rằng việc đồng hành cùng DN để bảo hiểm mua hàng chính hãng thông qua giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ phần nào giúp bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình sử dụng các sản phẩm trên thị trường.
Còn dưới vai trò của nhà cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho việc chống hàng giả, ông Trần Minh Huy, Phó chủ tịch CTCP True Data, cho biết đây là công nghệ mới - được kết hợp bởi RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) kết hợp blockchain (công nghệ chuỗi khối) và trí tuệ nhân tạo (AI), để nhận biết sản phẩm với tiêu chí “đường đi của sản phẩm như thế nào thì dữ liệu sẽ được cập nhật theo như thế đó”.
Với tiêu chí như thế, ông Huy cho rằng quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ. Họ sẽ biết được nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, dễ dàng kiểm tra, xác định hàng thật hay giả, xác định được đối tượng phải chịu trách nhiệm cụ thể với chất lượng hàng hoá.
“Phải có ai đó chịu trách nhiệm về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm là giá trị mà công nghệ của chúng tôi mang lại cho người tiêu dùng. Công nghệ sẽ giúp mang sản phẩm thật đến tay người tiêu dùng”, ông Huy nói.
Cũng theo vị phó chủ tịch này, trước vấn nạn hàng giả, các DN làm ăn chân chính trước hết phải bảo vệ chính mình. Vì vậy, các DN cần xem xét để dành một khoản chi phí nhất định để ứng dụng công nghệ nhằm nhận biết đây là sản phẩm từ chính DN của mình, vừa giúp cho DN có thể quản lý được sản phẩm ở kho hàng và đường đi thành phẩm như thế nào.
“DN bán sản phẩm là cho người tiêu dùng. Thông qua giải pháp truy xuất nguồn gốc, gắn chip trên sản phẩm sẽ biết được sản phẩm này từ đâu đến đâu, thì người tiêu dùng nhìn thấy được sản phẩm này của DN là thật, và biết được những sản phẩm dởm không thể chen chân vào. Và DN cũng sẽ tin chắc sản phẩm thật của họ được người tiêu dùng tin tưởng hơn”, ông Huy chia sẻ.
Riêng dưới góc độ chống hàng giả trong mảng dược phẩm và thực phẩm chức năng, PGs.Ts Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế), nhấn mạnh các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo.
“Khi giới tội phạm, với lợi nhuận kếch xù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và DN chân chính không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Truyền lưu ý.
Thế Vinh