Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Động lực vươn xa” trong ngành Công Thương

Hòa cùng phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, ngành Công Thương đã luôn quan tâm, tổ chức chặt chẽ công tác thi đua, thường xuyên thu được nhiều kết quả.

Hòa cùng phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, ngành Công Thương đã luôn quan tâm, tổ chức chặt chẽ công tác thi đua, thường xuyên thu được nhiều kết quả.

Cách đây 74 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đồng thời khởi xướng, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Điều rất đáng tự hào, xúc động là Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến phong trào thi đua của công nhân lao động, trong đó có người lao động ngành Công Thương. Người thường xuyên kêu gọi công nhân gương mẫu, tự giác, hăng hái, sáng tạo thi đua: “Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, tính sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua”, bởi chỉ có như vậy mới có thể đạt thành tích tốt nhất trong thi đua. Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”.

.

Ảnh minh họa

Hồ Chủ tịch cũng sớm chỉ ra: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”. Người còn xác định rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng năng suất lao động với thực hành tiết kiệm: “Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì: Tăng năng suất, làm tốt, làm nhiều. Ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ”.

Để đạt kết quả cao trong thi đua, Hồ Chủ tịch chỉ rõ cách thức, phương pháp tiến hành tổ chức thi đua: “Cách thức thi đua - Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”. Trong thi đua, Người cũng luôn quan tâm đến công tác khen thưởng, yêu cầu: “Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thưởng phạt phải nghiêm minh. Khen cái nào đích đáng cái ấy” và đề nghị chú ý đến lợi ích của người lao động: “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh, thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”.

Thấm nhuần tư tưởng và tấm gương thi đua yêu nước mẫu mực của Hồ Chí Minh, những năm qua, phong trào thi đua của công nhân lao động Việt Nam trong đó có ngành Công Thương luôn được triển khai tích cực và hiệu quả, đem lại những kết quả to lớn. Chỉ xin nêu ví dụ: Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam hàng năm đóng cho đất nước đến 65% sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách Nhà nước.

Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tháng 12 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Có thể nói, mọi thành quả cách mạng nước ta đều gắn với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước” và chỉ rõ: “Qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là những tấm gương lao động điển hình trên các công trường xây dựng, trong các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như trên các mặt trận văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục…”.

Hòa cùng phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, ngành Công Thương đã luôn quan tâm, tổ chức chặt chẽ công tác thi đua, thường xuyên thu được nhiều kết quả tích cực. Từ Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ hai năm 2015, chủ đề “Ngành Công Thương: Thi đua yêu nước là động lực vươn xa” đã được lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành. Chỉ tính riêng trong phong trào Thi đua năm 2014, toàn ngành đã có gần 25.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 600 tỷ đồng, tiết kiệm gần 200 tỷ đồng. Đến Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II, phong trào thi đua càng phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực để trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước…

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phong trào thi đua của ngành Công Thương vẫn được duy trì, và càng trong khó khăn thì càng được quan tâm đẩy mạnh. Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III (2020 - 2025), lãnh đạo Bộ Công Thương đã xác định rõ: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”. Đại hội cũng xác định nhiều giải pháp để toàn ngành phấn đấu thực hiên mục tiêu phát triển 5 năm 2020 - 2025: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2025 đạt trên 35%; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 9,2 - 9,5; tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm; vào năm 2025 tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên khoảng 85,3%, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP…

Và trên thực tế thời gian qua, toàn ngành Công Thương đã đẩy mạnh thi đua, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của nền kinh tế. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tháng 5 - 2022 vừa qua, Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội cũng như nhân dân cả nước đánh giá cao những thành tựu kinh tế, trong đó có các lĩnh vực mà ngành Công Thương quản lý, trực tiếp triển khai thực hiện. Xin nêu vài ví dụ: Tăng trưởng kinh tế 9 GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ của năm 2020 và 2021; trong 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%, hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm; có gần 81 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng gần 27%...

Những kết quả tích cực trên đây là nguồn động lực to lớn, là cơ sở quan trọng để cả nước và Ngành Công Thương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước toàn diện gắn với việc đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thiết thực xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 

Tác giả: Phạm Thái Hưng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết