Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Trend’ của VN-Index sẽ ra sao trong trung hạn?

Thị trường chứng khoán đang nhận nhiều thông tin thiếu tích cực, dự báo ảnh hưởng tới xu hướng những tháng cuối năm. Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đi vào giai đoạn cuối với gam màu tối chủ đạo.

Chuỗi ngày lao dốc đã khiến VN-Index “rơi” khoảng 190 điểm, tương đương mất hơn 15% giá trị chỉ sau hơn một tháng giao dịch.

Yếu tố kìm hãm bủa vây

Đà giảm kéo dài của thị trường chứng khoán (TTCK) diễn ra trong bối cảnh vĩ mô đang xuất hiện không ít yếu tố kìm hãm sự phục hồi. Trong đó, những lo ngại về địa chính trị là nguy cơ xung đột quân sự giữa Irsael và lực lượng Hamas lan rộng đang đè nặng lên các thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán chịu áp lực suy giảm, giá các tài sản an toàn như vàng hay các loại hàng hóa cơ bản như năng lượng và thực phẩm tăng vọt trong những ngày gần đây.

Và diễn biến này dẫn đến nguy cơ giá dầu có thể tăng lên mức cao kỷ lục, kéo lạm phát lên cao hơn, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, ảnh hưởng tiêu cực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia, vốn đang được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng trong thời gian tới. Bloomberg Economics ước tính giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng trong kịch bản Iran tham chiến.

-2255-1698407876.jpg

Đà giảm kéo dài của TTCK diễn ra trong bối cảnh vĩ mô đang xuất hiện không ít yếu tố kìm hãm sự phục hồi. 

Theo các chuyên gia, lạm phát của Việt Nam dù đang trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn có thể đối mặt với áp lực bất kỳ lúc nào khi giá hàng hóa thế giới leo thang trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước, là mức tăng khá mạnh, do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP; giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới; giá thuê nhà ở tăng. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Trong khi đó, tỷ giá vẫn đang là một trong những yếu tố gây áp lực lên TTCK khi đồng USD bắt đầu có xu hướng tăng cao trở lại, nhất là khi dữ liệu GDP “vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế Mỹ rất mạnh mẽ”, củng cố cho câu chuyện rằng Fed có thể cần tăng lãi suất nhiều hơn.

Chưa kể, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam 10 năm sau giai đoạn ổn định đã có dấu hiệu tăng tốc trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Điều này sẽ khiến VN-Index dễ gặp áp lực giảm điểm do áp lực tương quan nghịch biến, bởi kênh trái phiếu chính phủ và cổ phiếu là hai kênh đầu tư cạnh tranh nhau

Đáng chú ý, trong báo cáo tháng 10/2023, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt hạ dự báo điểm số VN-Index, trong khi báo cáo trước đó khá đồng thuận về việc chỉ số có thể tăng đến vùng 1.300 điểm vào cuối năm 2023.

Các rủi ro được Chứng khoán KB (KBSV) đề cập là lạm phát, tỷ giá tác động kém tích cực lên xu hướng mặt bằng lãi suất. KBSV cho rằng lãi suất rẻ không còn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho TTCK.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư toàn cầu không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến triển vọng thị trường, đến từ các yếu tố: dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam cũng như thanh khoản tiền đồng trong nền kinh tế sụt giảm do áp lực tỷ giá; nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam suy yếu khiến cho triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan; và việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây cản trở lên đà hồi phục của thị trường.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng trong trung hạn, VN-Index sẽ biến động trong vùng từ 1.000 - 1.200 điểm.

“Khả năng cao TTCK biến động trong vùng này chứ khó có thể tăng mạnh hay xấu hơn. Nói cách khác, VN-Index có thể đi ngang từ nay đến cuối năm”, ông Minh nói.

“Cửa hẹp” từ kết quả kinh doanh quý III

Hiện tại, mùa báo cáo quý III đang bước vào giai đoạn cuối. Tính đến 23/10, đã có gần 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE và HNX công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Đúng như dự báo, bức tranh kết quả kinh doanh quý III tiếp tục ảm đạm khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trên đà giảm sút.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, ông Minh đánh giá sự phục hồi của các doanh nghiệp trong quý III vẫn đang diễn ra nhưng còn chậm. Do đó vẫn có thể kỳ vọng được chút ít từ “bức tranh” kết quả kinh  doanh quý III.

Theo chuyên gia Yuanta, nhìn về tổng thể, trong nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng và bất động sản là một câu chuyện khó nếu nhìn về kết quả kinh doanh, Trong đó, cổ phiếu bất động sản lên chủ yếu là niềm tin hơn là nền tảng cơ bản. Còn nhóm tài chính ngân hàng cũng là nhóm khó, nhưng trong đó nhóm cổ phiếu chứng khoán có kỳ vọng nếu như thanh khoản tăng trở lại.

Xét về nền tảng cơ bản, lĩnh vực sản xuất có thể hồi phục lại vì xuất khẩu cũng khả quan hơn. Đặc biệt ông Minh đánh giá cao về nhóm ngành dầu khí khi vừa được hưởng lợi từ giá dầu tăng cũng như trong nước đang triển khai những dự án mới.

Thực tế, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có mức tăng ấn tượng trong 9 tháng qua, nhưng nhiều ý kiến chung nhận định thị giá hiện tại vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp, đặc biệt khi ngành dầu khí toàn cầu khả năng cao sẽ bước vào chu kỳ "tăng trưởng vàng" trong thời gian tới.

Chẳng hạn, cổ phiếu PVD (PV Drilling) được hưởng lợi nhờ nhu cầu thuê giàn tăng mạnh trong khi nguồn cung thắt chặt khiến giá cước và hiệu suất hoạt động trên thị trường tăng cao. Với PVS (PTSC), ngoài các mảng liên quan đến dịch vụ dầu khí hưởng lợi từ diễn biến thị trường E&P (thăm dò và khai thác), công ty sẽ có thêm động lực từ việc cải thiện biên lợi nhuận mảng M&C (cơ khí và xây lắp) điện gió sau thời gian đầu gia nhập ngành.

Với nhóm trung nguồn, giá dầu thô và dầu FO hồi phục sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh của PV GAS (GAS) trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên mảng LNG sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do các vấn đề ở khâu trung - hạ nguồn vẫn chưa được giải quyết.

PVTrans (PVT) sẽ có động lực tăng trưởng từ giá cước vận tải hàng lỏng kỳ vọng thuận lợi do nhu cầu vượt nguồn cung và kế hoạch mở rộng đội tàu tới năm 2025. Đối với nhóm hạ nguồn, nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2023 nhờ triển vọng giá dầu thô và chênh lệch giá crack (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tích cực.

Tuy nhiên, dù duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng nhu cầu dầu thô của thế giới trong tương lai gần, nhưng một số rủi ro liên quan đến nền kinh tế nói chung và nhu cầu sử dụng dầu nói riêng khiến giới phân tích vẫn đưa ra lưu ý tốc độ tăng trưởng cầu dầu thô là ẩn số cần theo dõi thêm.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết