Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Tết online 'lên ngôi' mùa dịch

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hình thức mua bán online được ưa chuộng hơn hẳn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, chợ Tết online càng trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm đặt ra bài toán cho người bán phải sáng tạo nhiều phương thức bán hàng.

Theo tiết lộ từ một số nhà bán lẻ, người tiêu dùng, phần lớn giới trẻ và dân công sở đang có sự dịch chuyển sang mua sắm Tết trên các ứng dụng mua sắm online rất lớn.

Thay đổi thói quen sắm Tết

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần, đây cũng là cao điểm mọi người bắt đầu lên kế hoạch mua sắm đồ Tết để tiêu dùng, biếu tặng.

Kể từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, thực hiện giãn cách tại nhà gần 2 tháng, chị Thu Hương (ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đã quen với phương thức đi chợ online. Vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần, chị cũng chọn sắm Tết online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-01-8171-5058-

Các siêu thị đẩy mạnh phương thức bán hàng online trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

“Ở các siêu thị bày bán gì thì trên ứng dụng cũng sẽ có đầy đủ. Chỉ ngồi cơ quan nhưng tôi có thể xem được giá cả, mẫu mã quà Tết của nhiều siêu thị khác nhau và chốt được giỏ quà Tết như ý. Tôi thấy mua sắm như vậy rất tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo an toàn trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay”, chị Hương cho hay.

Chị Hà Uyên, (30 tuổi, Hà Nội), làm việc tại một ngân hàng cho biết: “Công việc bận rộn nên việc gia đình phải nhờ hết vào bác giúp việc, nhưng khi có thời gian muốn đi chợ, đặc biệt là chợ Tết thì tôi lại có cảm giác sợ, mà sợ nhất là cảnh chen lấn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội như hiện nay. Do đó, cứ rảnh lúc nào tôi lại tranh thủ lướt mấy nhóm bán hàng đặc sản quê, trên đó cái gì cũng có từ bánh chưng, giò lụa, hạt bí, rau sạch,... chỉ cần lựa chọn, thanh toán tiền là người ta sẽ giao hàng đến tận nhà sau vài giờ”, chị Hà Uyên chia sẻ.

Thực tế, từ đầu năm 2020, do tác động của COVID-19 nên người dùng càng nhận thấy sự tiện lợi của việc mua sắm online. Nhiều nhà bán lẻ đã đầu tư vào phát triển các nền tảng mua sắm online để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng, nhất là trong Tết Nhâm Dần 2022.

Đại diện hệ thống siêu thị WinMart Linh Đàm cho biết, nhóm chat Zalo bán hàng của siêu thị luôn bận rộn trước những thông tin cập nhật hàng hóa, giỏ quà Tết.

Đáng chú ý, để kích cầu mua sắm dịp cuối năm, mỗi ngày nhân viên đều gửi hình ảnh các sản phẩm mới nhập về cũng như giá cả khuyến mãi, đồng thời cam kết giao hàng trong 2 giờ và miễn phí vận chuyển để người tiêu dùng yên tâm đặt hàng.

Nhà sản xuất không ngồi im chờ khách

Không chỉ có các siêu thị, các Hợp tác xã cũng bắt đầu thay đổi cách thức bán hàng nhằm bắt kịp xu hướng đi chợ của người dùng. Chuẩn bị phông nền rực rỡ đậm không khí Tết, chị Nguyễn Thị Loan - Hợp tác xã (HTX) Giò chả Ước Lễ, Hà Nội bắt đầu công việc livestream giới thiệu sản phẩm. Dịp Tết này, lượng giò chả bán ra qua kênh online mang đến 40% lợi nhuận cho gia đình chị.

"Một vài năm nay chúng tôi áp dụng công nghệ mới, bán hàng online, bán qua thương mại điện tử, hợp tác xã cũng đẩy mạnh xúc tiến giúp các hộ kinh doanh sản xuất giò chả. So với mọi năm do ảnh hưởng của dịch lượng tiêu thụ kém hơn nhưng về bán hàng online tăng gần 50%", chị Loan cho hay.

Chú trọng vào cam kết về chất lượng, HTX cũng thường xuyên ghi lại hình ảnh sản xuất trực tiếp tại xưởng, để khách hàng có niềm tin vào các sản phẩm dù là mua qua mạng. "Thành viên HTX cho biết, chúng tôi đa dạng hoá các sản phẩm, mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn. Các sản phẩm của HTX đã đạt sản phẩm OCOP, qua đó khách hàng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ", chị Loan cho hay.

Sản phẩm được bán qua mạng dễ gây bất ngờ nhất đối với khách hàng năm nay chính là hoa, cây cảnh trưng Tết. Những ngày này, anh Lê Sỹ Hưng, chủ cửa hàng hoa lan Hà Nội cũng tất bật chụp ảnh hoa lan để đăng lên các nhóm online và cho biết: "Năm nay chợ hoa online sôi động hơn chợ hoa truyền thống. Vì vậy, ngoài thành lập các fanpage, cửa hàng còn tham gia vào các hội nhóm zalo chuyên bán hoa lan. Hơn 60% hoa lan tại cửa hàng tôi đã được bán qua hình thức online".

Không nằm ngoài xu thế, những người nông dân tại huyện Quang Bình, Hà Giang cũng đã chủ động kết nối, xúc tiến quảng bá tiêu thụ cam sành qua nền tảng số. Cũng nhờ đó mà giá cam năm nay cao hơn gấp 2-3 lần so với các năm trước.

Ông Đào Trọng Lễ, huyện Quảng Bình, Hà Giang cho biết: “Mọi năm giá cam thấp quá không bù được vào công sức của người trồng. Tuy nhiên, năm nay giá cam tăng cao nhờ bà con nông dân đã chuyển đổi cách thức bán hàng từ trực tiếp sang online. Vì vậy sản phẩm được giá, bà con nông dân rất vui mừng”

Khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn cũng là lúc thị trường chợ Tết online nhộn nhịp. Việc chỉn chu đầu tư sáng tạo, tạo dựng niềm tin cho khách hàng là yêu cầu tiên quyết để dù là chợ online vẫn đảm bảo được sự lành mạnh và hiệu quả.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những tiện ích mang lại từ các sàn thương mại điện tử, việc mua sắm trực tuyến cũng kéo theo nhiều lo lắng cho người tiêu dùng như chất lượng, tính an toàn, sản phẩm không rõ nguồn gốc,… Vì vậy, thay đổi thói quen là điều cần thiết, nhưng cũng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn những địa chỉ mua sắm uy tín, có thương hiệu nhằm đảm bảo mua hàng đúng chất lượng trước khi quyết định mua sắm.

Thanh Hoa


Tác giả: Thay đổi thói quen sắm Tết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết