Chống tham nhũng, tiêu cực: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài ''cuộc chơi''
Để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính, bên cạnh chủ trương của Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần nói “không” với tiêu cực, tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn cam go
Mặc dù số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã và đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vẫn cho thấy, năm 2023 có 33,3% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức.
Năm 2023 có 33,3% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức. Ảnh: ST |
Nếu so với mức 42,6% của năm 2022 thì con số 33,3% đã giảm đáng kể. Còn nếu so với mức 66% của những năm 2015-2016, hoặc con số cao nhất là 70% của năm 2006 thì tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức của năm 2023 là thấp nhất. Điều này cho thấy, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp đã đạt được kết quả rõ rệt.
Cùng với đó, gánh nặng chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục đà giảm. Cụ thể, năm 2023 chỉ 2,5% doanh nghiệp cho biết phải chi trên 10% doanh thu cho khoản chi không chính thức, trong khi năm 2022 là 3,8%. Gánh nặng chi phí không chính thức này đã giảm liên tục từ năm 2017 với 7,5% và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.
Tuy vậy, một thông tin vẫn rất đáng suy ngẫm, đó là quy mô chi phí không chính thức của năm 2023 vẫn ở mức cao với 86%, dù đã giảm từ con số 88,9% của năm 2022 nhưng lại tăng ấn tượng so với mức 13% của năm 2006. Đặc biệt, vẫn có 69,9% doanh nghiệp phản ánh còn hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp trong năm 2023, dù chỉ tiêu này có giảm từ con số 71,7% của năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực của năm 2023 có tăng so với năm trước đó, như đăng ký kinh doanh, thanh, kiểm tra môi trường nói riêng hoặc trong thanh, kiểm tra nói chung.
Đây là dấu hiệu cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực vẫn rất cam go, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần kiên trì và đẩy mạnh toàn diện các nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần chủ động nói "không" với nhũng nhiễu, tiêu cực. Ảnh: ST |
Doanh nghiệp không thể đứng ngoài "cuộc chơi”
Để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêc cực, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Văn bản số 626 của Thủ tướng Chính phủ về việc quán triệt, tổ chức thực hiện quy định số 131 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về liểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng thanh tra, các tổ chức, đơn vị thanh tra quán triệt, tổ chức thực hiện quy định số 131. Trong đó cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả quy định số 131, các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thanh tra và các chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, không để tham nhũng, tiêu cực.
Để kiên quyết chống lại các hành vi nhũng nhiễu với doanh nghiệp, người dân, mới đây UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã thông báo về việc củng cố người tiếp nhận thông tin đường dây nóng và hộp thư điện tử tiếp nhận các thông tin, tin báo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về hành vi sách nhiễu gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Biên Hòa.
Theo đó, thường trực UBND thành phố sẽ tiếp nhận thông tin trong giờ hành chính qua các số điện thoại nóng của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh qua số điện thoại, gặp gỡ, cung cấp thông tin, vật chứng, chứng cứ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các cá nhân được giao nhiệm vụ. Trong Thông báo, UBND thành phố Biên Hòa cũng nghiêm cấm các hành vi cung cấp thông tin, phản ánh giả mạo của các tổ chức, cá nhân lợi dụng Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo để vu khống, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước.
Có thể nói, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là trọng tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua. Trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành gần 50 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quốc hội đã thông qua 18 luật, nghị quyết có liên quan; Chính phủ đã ban hành 126 nghị định, nghị quyết; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 18.240 văn bản về các lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Song để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát huy hiệu quả, bên cạnh những chính sách chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng cần chủ động nói "không" với nhũng nhiễu, tiêu cực. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý trả chi phí “bôi trơn” để thuận tiện hơn trong công việc. Tuy nhiên, chi phí không chính thức càng cao thì đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ càng giảm. Muốn phát triển theo hướng bền vững, để tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nói không với tiêu cực, tham nhũng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp liêm chính.