Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch

Chuỗi giá trị toàn cầu chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19 và dự báo chưa thể trở lại bình thường vào cuối năm, điều này tác động đến phục hồi kinh tế thế giới.

Trong khuôn khổ hợp tác APEC, sáng 13-14/10, Bộ Công Thương phối hơp với các thành viên APEC tổ chức Hội thảo APEC về cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu trong đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo thông tin đưa ra tại hội thảo, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ vào năm 2020 với mức giảm 3,3%, tuy nhiên kinh tế toàn cầu có thể còn chịu tác động tồi tệ hơn rất nhiều (ước tính gấp 3 lần) nếu không có các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ các quốc gia trên thế giới.

Cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu và phục hồi kinh tế sau đại dịch
Bộ Công Thương phối hơp với các thành viên APEC tổ chức Hội thảo APEC về cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu trong đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhưng theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, tăng trưởng GDP tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới nhìn chung vẫn tiếp tục thấp hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng: Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các chuỗi giá trị toàn cầu, với sự gián đoạn cả nguồn cung hàng hoá, dịch vụ và nhu cầu của người dân. Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp phong toả được áp dụng tại nhiều nền kinh tế, điều này dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

“Kinh tế khu vực và thế giới đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn cung đầu vào trung gian cho các ngành công nghiệp và cú sốc này cũng lan truyền nhanh chóng thông qua các chuỗi cung ứng. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, Covì-19 đã làm chậm, gián đoạn việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu vốn khá ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính” – ông Trịnh Minh Anh thông tin.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn rộng ra những thách thức từ đại dịch Covid-19, thế giới hiện còn đối mặt với những đại dịch mới như: Đậu mùa khỉ và những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng và biến đổi khí hậu… Những yếu tố này đang và dự báo tiếp tục tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng hàng hoá nói riêng.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo: Chuỗi cung ứng toàn cầu khó bình thường được trở lại như thời điểm trước dịch vào cuối năm nay. Ngoài ra, sự tăng giá đối với hàng hoá, các sản phẩm thiết yếu như giá năng lượng, nông sản tăng vọt thời gian qua không chỉ tạo áp lực, mà còn làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển bền vững của chuỗi gía trị toàn cầu, đây cũng là nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu suy thoái.

Cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch
Chuỗi cung ứng toàn cậu chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 và dự báo vẫn chưa trở lại bình thường vào cuối năm 2022

Tuy nhiên, ngoài thách thức, các chuyên gia kinh tế nhận định, Covid-19 cũng mang đến những cơ hội cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Trịnh Minh Anh, Covid-19 đã tạo động lực mới để xây dựng một mạng lưới sản xuất linh hoạt hơn, đẩy nhanh xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Liên quan đến cơ hội trong đại dịch, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng nhận định: Đại dịch cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh, Covid-19 cũng đẩy nhanh xu hướng số hoá.

Ví dụ, việc phong toả người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hoá một số khâu nhất định, khuyến khích số hoá và xử dụng các nền tảng trực tuyến. Những biện pháp hạn chế đi lại khuyến khích bán hàng trực tuyến và thúc đẩy thương mại điện tử, cho phép doanh nghiệp đưa hàng hoá và dịch vụ đến với người tiêu dùng mới. Chuyển đổi số đã diễn ra trước đại dịch, nhưng hiện đang được đẩy nhanh để giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với điều kiện bình thường.

Cũng liên quan đến cơ hội từ Covid-19, tác động của đại dịch Covid-19 trước mắt sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các nền kinh tế, nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cách tiếp cận mới trong duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể hơn, theo ông Akhmad Bayhaqi, chuyên gia phân tích – Đơn vị hỗ trợ chính sách APEC: Covid-19 sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tập trung đổi mới sáng tạo, tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, trong khi đó, các Chính phủ có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc chuyển đổi số thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số và các chính sách thúc đẩy thương mại điện tử cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chịu tốt hơn với những biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ Công Thương: Thời gian gần đây APEC đã có hoạt động hợp tác tập trung vào chuỗi cung ứng, với ý nghĩa đó, Hội thảo này là đóng góp của Chính phủ Việt Nam cho nỗ lực chung của khu vực APEC, nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội cho phục hồi chuỗi cung ứng nói riêng và kinh tế nói chung trong và sau đại dịch.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết