Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 30/9: Công nghiệp chế biến, chế tạo “giữ nhịp” tăng trưởng

Diễn đàn báo chí hôm nay đề cập nhiều đế vấn đề sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục “giữ nhịp” tăng trưởng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP.

Tạp chí VnEconomy có bài: "Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chế biến, chế tạo “giữ nhịp” tăng trưởng". Theo bài báo, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế…

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 30/9: Công nghiệp chế biến, chế tạo “giữ nhịp” tăng trưởng
9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 7,16%; quý 2 tăng 9,51%; quý 3 tăng 12,12%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý 1 tăng 7,85%; quý 2 tăng 11,07%; quý 3 tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Cũng trong lĩnh vực công nghiệp, báo Đầu tư có bài: "Một số dự án thua lỗ ngành công thương có tiến triển". Cụ thể: Trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý, có 1 dự án (Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; 1 dự án (Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN) có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí,…

Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù, đến ngày 30/6/2022, còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng nhưng từ năm 2021 đến nay, kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp đã cải thiện hơn (năm 2021 giảm lỗ; 6 tháng đầu năm 2022 đã có lãi và trả được một phần nợ cho ngân hàng).

Đặc biệt, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO2) - một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong 12 dự án đến nay đã có nhiều bước tiến mới.

Tuy nhiên trên diễn đàn bào chí hôm nay cũng chung nỗi trăn trở về “số phận” một số dự án điện mặt trời. Nội dung này có trong bài viết: "Bộ Công Thương đề xuất đặc biệt về số phận dự án điện mặt trời "dang dở"" trên báo Dân Việt.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp cần cân đối xuất khẩu gạo cũng là vấn đề nóng hiện nay. VTV đưa tin: "Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo"; Truyền hình của Thông tấn xã đưa tin: "Khuyến cáo cân đối xuất khẩu gạo".

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, nâng thuế xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt lên 20% đang tác động không nhỏ tới thị trường 3 tỷ dân sử dụng gạo trên thế giới. Việt Nam vốn là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới cũng không nằm ngoài diễn biến trên.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp tăng trong thời gian qua, nhiều khách hàng trước đây của Ấn Độ đã chuyển hướng sang Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo, bảo đảm lợi ích người nông dân.

Ngay sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo để công tác điều hành xuất khẩu đảm bảo mục tiêu nguyên tắc: góp phần tiêu thụ thóc, gạo và bảo đảm lợi ích người trồng lúa, bảo đảm cân đối xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Bộ cũng khuyến cáo các thương nhân xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá rủi ro về giá để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp.

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết