Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc đua tín dụng bán lẻ ngày càng khốc liệt

Các nhà băng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ để cải thiện biên lãi ròng (NIM) và phân tán rủi ro. Vì thế, cuộc đua trên thị trường tín dụng bán lẻ cũng ngày càng khốc liệt.

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay phù hợp để tối ưu lợi suất tài sản. Trong đó, cho vay bán lẻ là sự lựa chọn tối ưu cho các ngân hàng trong bối cảnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị “thắt chặt”, tín dụng hạn chế, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không còn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới (do hệ quả của việc lãi suất tiền gửi tăng).

Đẩy mạnh cho vay nhỏ 

Theo đánh giá của các chuyên gia VNDirect: Việc thay đổi điều kiện phát hành TPDN sẽ không thể hoàn thiện “một sớm một chiều” mà sẽ cần thời gian để mọi thứ trở nên ổn định. “Thị trường TPDN sẽ còn tăng trưởng chậm cho đến ít nhất là sang năm sau, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và NIM nửa cuối năm nay của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng TPDN trong danh mục tín dụng lớn”, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh. 

-7006-1663839703.jpg

VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mảng bán lẻ thuộc nhóm cao nhất trên thị trường

Để vượt qua khó khăn nói trên, hầu hết các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022 để cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu NIM. Điển hình như Techcombank, MB, HDBank, TPBank, VIB... 

Trong mảng bán lẻ, VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trên thị trường và ngân hàng này hướng đến vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ. Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 24%, riêng cho vay bán lẻ đóng góp gần 90% danh mục tín dụng, trong đó 95% có tài sản đảm bảo. 

Chia sẻ về định hướng hoạt động năm 2022, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược, kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ về quy mô và chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, ngân hàng bán lẻ VIB cũng đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận, đóng góp hơn 60% lợi nhuận toàn ngân hàng.

Techcombank cũng là ngân hàng đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, nhất là cho vay mua nhà, chiếm 80% mảng bán lẻ của nhà băng này. Đây là một trong những mảng đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Techcombank.

Ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, chiến lược cho vay nhỏ lẻ xuống tận các chợ, tiểu thương, trường học của ngân hàng được đẩy mạnh từ những năm trước và sẽ tiếp tục mở rộng, vì đây chính là mảng tín dụng tiềm năng, đóng góp tích cực vào lợi nhuận Ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ cho vay của khối khách hàng cá nhân hiện chiếm trên 50% tổng dư nợ của Sacombank.

Theo nhận định của các chuyên gia VNDirect, nhờ việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ đã mang lại lợi suất hơn so với các phân khúc khác, hầu hết các ngân hàng đã phần nào bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực từ TPDN và duy trì lợi suất tài sản không giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Trong đó có một số ngoại lệ ghi nhận cải thiện NIM như HDBank nhờ lợi suất tài sản tăng mạnh nhờ mở rộng cho vay bán lẻ tốt và mảng tài chính tiêu dùng phục hồi. Hay như LienVietPostBank chi phí vốn tối ưu nhờ tăng tỷ trọng chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá trong cơ cấu huy động vốn, MSB nhờ nắm giữ tỷ trọng lớn trái phiếu chính phủ khi lợi suất TPCP ghi nhận tăng mạnh.

-6719-1663839703.png

Hoạt động cho vay cá nhân của các ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cuộc đua bán lẻ ngày càng gay gắt

Tín dụng bán lẻ đang là miếng bánh béo bở được tất cả nhà băng nhắm tới, theo đó các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh số hoá cho vay để gia tăng thị phần. Thống kê của nhiều ngân hàng cho thấy, hiện tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm tới trên 90% tổng số lượng giao dịch tại ngân hàng.

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc MB cho hay, yêu cầu tăng trải nghiệm online của khách hàng tăng rất nhanh. Đồng thời, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi đây không còn là miếng bánh của riêng ngân hàng. Điều này buộc ngân hàng phải chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi hoạt động.  

Theo mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn và đến năm 2030, con số sẽ là 70%.

Để đẩy nhanh quá trình này, cuộc đua chuyển đổi số của các ngân hàng diễn ra ngày càng rầm rộ. Những năm gần đây, khi hành lang pháp lý về số hóa hoạt động cho vay chưa được hoàn thiện, các ngân hàng đã chạy đua đầu tư nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng để chuẩn bị cho việc chào bán các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

Mới đây, Ngân hàng VIB đã bắt tay với một tập đoàn công nghệ châu Âu triển khai CDP (nền tảng dữ liệu khách hàng). Nền tảng này cho phép VIB xây dựng một chân dung hoàn chỉnh về khách hàng, giúp ngân hàng hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất.

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ ngân hàng của VIB cho hay: “Có một thực tế là, sau giai đoạn đại dịch Covid-19, thói quen của khách hàng đã thay đổi hoàn toàn, họ rất ít khi đến các điểm giao dịch vật lý của ngân hàng và thường xuyên tương tác trên mạng xã hội và các nền tảng số. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải thay đổi, phải dùng công nghệ để hiểu rõ về khách hàng của mình hơn và tương tác với họ trên các nền tảng số”.

Huyền Anh


Tác giả: Đẩy mạnh cho vay nhỏ 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết