Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điện nông thôn chưa hoàn thành mục tiêu và hành động của Tư lệnh ngành Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra lý giải rõ ràng về nguyên nhân và cũng như giải pháp cụ thể cho tiến độ triển khai chương trình điện nông thôn.

dien nong thon chua hoan thanh muc tieu va hanh dong cua tu lenh nganh cong thuong
Chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đã trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập

Thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các địa phương tích cực triển khai và đạt được kết quả tích cực. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo ở khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ; tiếp nhận gần 1.370 xã tương ứng với trên 1,97 triệu hộ dân nông thôn; tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiêu chí số 4 của Chương trình Nông thôn mới với tổng vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng.

Nhờ đó, đại đa số các hộ dân nông thôn đã được sử dụng điện an toàn, liên tục; được hưởng giá bán điện và các dịch vụ điện theo quy định. Chương trình đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia.

Để tiếp tục chương trình, tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1740/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, cụ thể: đạt 100% số xã có điện trên phạm vi cả nước; Số thôn, bản được cấp điện: khoảng 9.890 thôn, bản; Số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia: khoảng 1.055.000 hộ dân; Số hộ dân được cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài lưới điện quốc gia khoảng 21.000 hộ.

Quy mô thực hiện tại 48 tỉnh, thành. Chương trình có vốn 30.116 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.218 tỷ đồng; Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: nhu cầu khoảng 23.379 tỷ đồng (trong đó: 2.525 tỷ đồng đã có Hiệp định Tài chính với EU; 19.720 tỷ đồng tiếp tục vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi); Vốn do các địa phương thu xếp từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối ứng) khoảng 3.122 tỷ đồng; Vốn do EVN (đối ứng): khoảng 1.397 tỷ đồng.

Cơ chế huy động vốn đầu tư có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Cấp phát tối đa 85% tổng vốn đầu tư; các địa phương và các đơn vị thuộc EVN tự thu xếp tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư; huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa cấp điện bằng năng lượng tái tạo để thực hiện chương trình.

Để triển khai, trong những năm qua, với vai trò quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách chung và chính sách riêng trong lĩnh vực điện nông thôn phù hợp với thực tế; chủ động tích cực lên kế hoạch thực hiện; tăng cường hợp tác, trao đổi với các Bộ, ngành trong nước và các tổ chức nước ngoài để thu xếp nguồn vốn; Khi có vốn đã phân bổ cho các địa phương thực hiện, đồng thời tích cực chỉ đạo EVN và các Sở Công Thương địa phương quyết liệt triển khai.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, tính đến thời điểm báo cáo, tổng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và vốn đối ứng của các chủ đầu tư cho chương trình mới đạt khoảng 4.743 tỷ đồng (chiếm khoảng 18,5% tổng nhu cầu vốn) như vậy còn thiếu tới 81,5% tổng nhu cầu vốn (tương ứng với NSTW thiếu 20.856 tỷ đồng).

Mặc dù còn khó khăn nhưng với nỗ lực của Bộ Công Thương, ngành điện và các địa phương, đến hết năm 2018, chương trình đã hoàn thành cấp điện đến 17 xã đạt 100%; số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia khoảng 73.500 hộ dân; số thôn, bản được cấp điện khoảng 1.055 thôn, bản.

dien nong thon chua hoan thanh muc tieu va hanh dong cua tu lenh nganh cong thuong

Xây dựng lưới điện nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội toàn diện khu vực nông thôn

Như đã đề cập ở trên, do nguồn vốn gặp khó khăn nên mục tiêu đặt ra theo Quyết định 1740/QĐ-TTg trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ không hoàn thành. Cụ thể còn khoảng 921.500 hộ thuộc 8.085 thôn bản chưa có điện hoặc được cấp điện nhưng chưa ổn định, liên tục; toàn bộ phần cấp điện cho các trạm bơm của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị.

Lý do cơ bản không đủ nguồn lực từ nguồn ngân sách trung ương để cấp phát thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 08 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; đồng thời chưa được sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài trong điều kiện đảm bảo hạn mức trần nợ công các khoản vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Văn bản số 683/BKHĐT-KTCN ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ kế hoạch và Đầu tư về báo cáo kết quả rà soát Chương trình.

Giải thích rõ hơn về nguyên nhân này, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Cuối năm 2017 đầu năm 2018, do hoàn cảnh đặc thù, lúc đó trần nợ công lên rất cao và xấp xỉ lên tới mức giới hạn. Và theo chỉ đạo giám sát của Quốc hội thì Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng các nguồn vay dưới danh nghĩa của quốc gia. Sau đó các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ và tạm thời là không xem xét để đưa nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, ngoại trừ một khoản duy nhất tương đương khoảng hơn 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân từ Liên minh châu Âu. Chính vì vậy, do yêu cầu của thời điểm đó, các các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp nguồn lực để thực hiện tiếp hoạt động đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn cũng như các chỉ tiêu của dự án chỉ có khoảng hơn 10% nội dung đầu tư của đề án này được thực hiện và khoảng 18,5% nguồn vốn được giải ngân từ các nguồn đã hiện hữu trên”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực để thực hiện an toàn nợ công quốc gia và giảm trần nợ công xuống, hiện nay chúng ta tiếp tục có những cơ sở để đảm bảo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực hiện. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động theo sự chỉ đạo của Chính phủ làm việc tiếp với Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu, đã chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ tín dụng ưu đãi của hai tổ chức này với quy mô lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, như vậy có thể đủ điều kiện để tiếp tục triển khai các hợp phần của các dự án này. Do đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kéo dài Chương trình sang giai đoạn 2021 – 2025.

dien nong thon chua hoan thanh muc tieu va hanh dong cua tu lenh nganh cong thuong

Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo sang giai đoạn 2021 – 2025.

Để tiếp tục triển khai chương trình, ngày 26/8/2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công tại Văn bản số 6302/BCT-ĐL sử dụng vốn vay ưu đãi của WB là 360 triệu USD; số 6303/ BCT-ĐL sử dụng vốn vay ưu đãi của ADB là 400 triệu, trên cơ sở thư cam kết cho vay của ADB ngày 15 tháng 03 năm 2019 và của WB ngày 16 tháng 7 năm 2019.

Trên cơ sở quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cho phép sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án thuộc Chương trình, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện theo các hiệp định vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng.

Đình Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết