Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp khốn đốn vì bị "bêu tên" nợ thuế dù chỉ vài triệu đồng

Nhiều doanh nghiệp bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế với số tiền nợ thuế dưới 10 triệu đồng khiến hoạt động kinh doanh sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ngày 20/5, Chi cục Thuế Khu vực TP. Sóc Trăng (Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng) ban hành loạt quyết định từ 445 đến 453/QĐ-CCTKV về việc cưỡng chế thuế các doanh nghiệp nợ tiền thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại các ngân hàng. Đáng chú ý, trong các danh sách này có những đơn vị nợ thuế chỉ khoảng 6 triệu đồng.

Đó là Công ty TNHH MTV Xăng dầu Vạn Xuân - MST 2200790581 nợ thuế 2.684.913 đồng hay Công ty Cổ phần Sản xuất nước sơn TASUPAN - MST 2200778922 nợ thuế 3.553.402 đồng; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nhà Duy Long Sóc Trăng - MST 2200732237 nợ 3.658.724 đồng; Công ty TNHH Tuyết Vũ - MST 2200170429 nợ 4.926.745 đồng; Công ty TNHH Hoàng Lộc - MST 2200517303 nợ thuế 4.866.627 đồng và Công ty TNHH TM DV Bảo Sang - MST 2200768145 nợ thuế 6.047.820 đồng.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi bị cơ quan thuế bêu tên - Ảnh minh hoạ.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi bị cơ quan thuế bêu tên - Ảnh minh hoạ.

Ngay sau khi bị “nhắc tên”, một số doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền ngân sách cho nhà nước và Cục Thuế Sóc Trăng đã quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.

Tuy nhiên việc bị cơ quan thuế bêu tên khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp càng thêm khó khăn khi mất đi hình ảnh thương hiệu cũng như tâm lý lo lắng của nhân viên công ty.

Đại diện một công ty bị đơn vị thuế “bêu tên” cho biết: “Ngay sau khi biết được thông tin bị "bêu tên" nợ thuế, công ty chúng tôi đã khẩn trương nộp số tiền thuế còn nợ và liên hệ với cơ quan thuế để giải thích lý do nợ thuế. Tuy nhiên công ty chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi bị các cơ quan thuế nhắc tên trong danh sách nợ thuế”.

Tại TP. Cần Thơ, ngày 14/5, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều (Cục Thuế TP. Cần Thơ) ban hành Văn bản số 3251/TB-CCT về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Theo danh sách trên, tính đến ngày 30/4/2024, trên địa bàn có 838 người nộp thuế còn nợ tiền thuế, với tổng số tiền hơn 77 tỷ đồng. Bên cạnh những doanh nghiệp nợ số thuế số tiền hàng trăm triệu đồng, trong danh sách này, có tới 224 doanh nghiệp, cá nhân bị Cục Thuế TP. Cần Thơ với số tiền nợ thuế dưới 10 triệu đồng.

Đơn cử như Công ty TNHH Nhiên liệu HDCT nợ thuế 5 triệu đồng, Công ty TNHH Nông nghiệp Nhật Bản nợ 5.069.377 đồng; Công ty TNHH MTV Ngọc Mỹ 5.073.895 đồng; Công ty TNHH MTV Thiên Phước Quang Sang nợ 5.100.200 đồng,…

Ông N.V.T, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị Cục Thuế TP. Cần Thơ “bêu tên” cho biết, Công ty của ông đang lâm vào cảnh kiệt quệ đến nỗi không còn tiền đóng thuế, hiện công ty chỉ có vài chục triệu tiền mặt. Công ty đang nợ lương cán bộ, công nhân viên mấy tháng nay.

“Thị trường bất động sản gần như đóng băng, công ty gần như không có doanh thu trong khi trong khi các chi phí vẫn rất lớn, từ việc chi trả tiền thuê mặt bằng, lương, lãi vay ngân hàng… Dù biết để bị bêu tên nợ thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đến thương hiệu công ty nhưng lúc này cũng không còn cách nào khác”, ông T. than thở.

Liên quan đến công tác cưỡng chế thu hồi thuế, hồi giữa tháng 5/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trong đó có trường hợp của chủ tịch kiêm giám đốc một công ty trong lĩnh vực hóa chất. Người này bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 997.000 đồng.

Hồi tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.

Được biết, các biện pháp cưỡng chế thuế này hiện được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh nên dẫn tới nhiều trường hợp người dân nợ thuế chỉ 1-2 triệu đồng nhưng không hề hay biết cho tới khi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh.

Liên quan đến các biện pháp cưỡng chế thuế, luật sư Trần Khánh Ly - Công ty Luật Glaw cho biết: “Việc thông báo nhắc nhở các cá nhân, đơn vị nợ thuế phải có người tiếp nhận chứ không phải thông báo công khai trên phương tiện truyền thông như "bêu" tội phạm. Việc "bêu" tên chỉ là giải pháp cuối cùng”.

Đối với việc tạm hoãn xuất cảnh, Luật sư Ly đề xuất, nên có một mức nợ thuế cụ thể để thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chứ không phải chỉ vài trăm nghìn hay vài triệu đồng như hiện nay. Đồng thời, trước khi áp dụng chế tài cấm xuất cảnh, cơ quan thuế cần bảo đảm đã gửi thông báo đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nhận được hoặc đã có đại diện doanh nghiệp đến làm việc với cơ quan thuế về nội dung nợ thuế.

Theo Bộ Tài chính, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.

"Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết