Doanh nghiệp loay hoay tìm cách thích nghi với giá điện tăng
Giá điện chính thức tăng 4,8%, nâng tổng mức tăng giá điện trong gần hai năm qua lên tới trên 12%. Giới chuyên môn cho rằng mức tăng này là chấp nhận được. Để giảm thiệt hại, doanh nghiệp cần “thích nghi” chủ động kế hoạch sản xuất, đồng thời tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện sẽ là phương án tối ưu.
Trước thông tin giá điện tăng 4,8% lên mức hơn 2.100 đồng/KWh kể từ ngày 11/10, đã khiến nhiều doanh nghiệp và và hàng loạt cơ sở kinh doanh đối diện khó khăn và phải tìm cách xoay xở để cắt giảm chi phí sản xuất.
Anh Nguyễn Thái An, chủ tiệm bánh mỳ - bánh ngọt trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhẩm tính, giá điện tăng có thể sẽ khiến tổng tiền điện sử dụng tốn thêm 600.000 - 700.000 đồng/tháng. Theo anh Thái, chi phí thuê mặt bằng xưởng và cửa hàng khoảng 70 triệu đồng/tháng, trong đó riêng tiền điện vận hành các lò nướng cùng các thiết bị khác khoảng 11 triệu đồng/tháng. Tháng này, tiền điện tăng gần 5%, giá nguyên liệu có loại đang tăng gần gấp đôi trong khi lượng khách có phần giảm đi nên thu sẽ giảm, chi sẽ tăng.
Ông Đặng Đức Trung - Tổng Giám Đốc Công ty CP GCool (ngoài cùng bên trái), chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm điện của doanh nghiệp. |
“Biết là sẽ khó khăn hơn, nhưng không thể đóng cửa tiệm và cũng chưa thể tăng giá lúc này. Trước mắt phải chấp nhận giảm lãi, cân đối tiết giảm các nguyên liệu, sau đó sẽ tính toán tiếp” – chủ tiệm bánh cho hay.
Đó là cách gỡ khó của cơ sở sản xuất bánh ở quy mô nhỏ, tuy nhiên, với các doanh nghiệp và tập đoàn có quy mô lớn thì mức độ ảnh hưởng sẽ gấp hơn nhiều lần.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Đặng Đức Trung - Tổng Giám Đốc Công ty CP GCool, cho hay, là doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất thiết bị điện dân dụng, khá nhiều máy móc liên tục vận hành sản xuất nên trung bình mỗi tháng GCool tiêu thụ một lượng lớn điện năng tương đương hơn 300 triệu đồng tiền điện/tháng.
“Việc tăng giá điện, ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp, chi phí nghiên cứu, sản xuất, nguyên vật liệu. Từ đó, dẫn đến chi phí sản xuất cũng tăng lên nhiều và đồng nghĩa làm giảm biên lợi nhuận của công ty” – ông Trung bày tỏ.
Để tiết giảm chi phí, theo đại diện GCool, công ty đã cân nhắc và triển khai một số hành động nhằm cắt giảm lượng điện tiêu thụ, tuyên truyền phong trào “Tắt khi không sử dụng” tại công ty; kiểm soát việc sử dụng các thiết bị có hiệu suất lớn và tiêu thụ nhiều điện năng như sử dụng điều hòa ở mức vừa phải kết hợp với quạt điện công nghệ DC tiết kiệm điện tăng hiệu quả làm mát, lên kế hoạch sử dụng, thử nghiệm tối ưu hóa trước khi sử dụng máy móc, thiết bị,...
Về lâu dài, vị tổng Giám Đốc GCool cho hay, DN sẽ tiến hành kiểm tra, thay thế các máy móc, thiết bị cũ sử dụng nhiều điện năng bằng các sản phẩm mới, công nghệ cao, tiết kiệm điện năng. Đồng thời, đầu tư, nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt các thiết bị điện phục vụ tại đơn vị cũng như mục đích thương mại hệ thống điện bằng năng lượng tái tạo; tối ưu hóa hệ thống sản xuất, giảm giá thành sản xuất để đối ứng với chi phí tăng lên.
Tiền điện thường chiếm 10 - 20% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh nhựa Hoàng Hà, trước đó mỗi tháng doanh nghiệp này tiêu thụ hơn 700 triệu tiền điện. Nếu giá điện tăng 4,8%, đại diện doanh nghiệp cho biết, dự kiến tháng này, tiền điện của đơn vị vào khoảng 760 triệu. Để tiết giảm chi phí, họ quyết định dời một vài máy móc có năng suất lớn xuống ca tối, để tránh giờ cao điểm.
Ông Lê Vĩnh Cường, Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh nhựa Hoàng Hà, cho biết: "Ngành nhựa, máy đùn là tiêu thụ điện năng lớn nhất, do đó chúng tôi đã điều chỉnh thời gian làm việc. Thay vì làm việc trong thời gian cao điểm thì chúng tôi điều chỉnh thời gian làm việc vào thời gian thấp điểm".
Nhiều doanh nghiệp dự đoán trước số tiền phát sinh sau khi giá điện tăng, tuy nhiên để việc tăng giá bán sản phẩm ra thị trường lại không phải việc có thể thay đổi được ngay và luôn.
Thực tế, tiền điện thường chiếm 10 - 20% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực. Do vậy, trước áp lực tăng giá này, nhiều đơn vị đã tính toán thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí.
Nhìn nhận về mức tăng giá điện 4,8% vừa qua, giới chuyên môn cho rằng mức tăng này là chấp nhận được. Giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng khiến cơ cấu nguồn điện bị biến động.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: "Việc tăng giá nằm trong quyết định, quy định của Luật Điện lực và nó thuộc thẩm quyền của EVN. Chúng ta xem CPI năm nay tăng bao nhiêu, năm ngoái tăng bao nhiêu... chúng ta đòi tăng lương mà giá điện lại không tăng? nên nhớ điện cũng là một doanh nghiệp".
Dệt may, sản xuất nhôm, gang, thép, thủy sản,… là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng rõ nhất khi điện tăng giá. Tuy vậy, theo tính toán, chi phí tác động chỉ chưa đến 5%. Do vậy, chủ động kế hoạch sản xuất, đồng thời tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện được xem là phương án tối ưu cho các doanh nghiệp trước nỗi lo tăng giá điện.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Da giày TP HCM, lo ngại việc tăng giá điện khiến toàn bộ chi phí sản xuất của các DN trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp tăng lên sẽ là gánh nặng thật sự trong bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn, các đơn hàng đã đàm phán xong và trong giai đoạn thực hiện nên không có cơ hội điều chỉnh giá.
Nhìn về lâu dài một số DN lo xa rằng giá điện có thể tăng tiếp trong thời gian tới khi EVN tiếp tục báo lỗ và áp dụng quy định điều chỉnh giá điện định kỳ mỗi 3 tháng/lần. Vì vậy, bên cạnh giải pháp tiết kiệm điện, DN đã tính đến phương án đầu tư điện mặt trời mái nhà để vừa tăng yếu tố "xanh" trong hồ sơ DN, vừa giảm áp lực về chi phí trong dài hạn.
Hồng Hương