Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp vẫn như ‘gà mắc tóc’ sau 3 tháng giảm thuế VAT

Thuế suất Giá trị gia tăng (VAT) đầu vào là 10% trong khi phải xuất đầu ra với thuế suất 8%, lúng túng xử lý dẫn đến chậm trễ thanh toán công nợ, mỗi nơi áp dụng một mức thuế VAT…là những vướng víu như “gà mắc tóc” mà các doanh nghiệp vẫn còn gặp phải sau 3 tháng áp dụng chính sách giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Đại diện của Công ty TNHH xây dựng thương mại Hưởng Thanh Bình (Quận Bình Tân, Tp.HCM) cho biết, từ tháng 2/2022 Nhà nước giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng, trong đó có mảng xây dựng. Thế nhưng, nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng với khoảng 80% mặt hàng có thuế suất 10% như sắt, thép, tôn, hoá chất, sơn…

Phát sinh thuế suất đầu ra thấp hơn đầu vào

Trong khi đó, đặc thù của ngành xây dựng có giá trị đầu vào, đầu ra cao, và công trình xây dựng đang xuất đầu ra áp dụng thuế VAT 8%, trong khi đầu mua vào lại áp thuế 10% và thanh toán cho nhà cung cấp với thuế suất 10% đó. 

HINH-3220-1651053154.jpg

Đã 3 tháng thực hiện giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP nhưng các DN vẫn lúng túng khi áp dụng.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp (DN) này khai và đóng thuế VAT vãng lai 2% được cộng vào thuế VAT được trừ. Trước đây, nếu liên tục 3 tháng có số thuế VAT được trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì DN được hoàn thuế. Còn hiện tại, DN không được hoàn thuế mà phải nộp thuế VAT vãng lai 2%. 

“Coi như chúng tôi chịu thiệt mất 2% từ chính sách giảm thuế VAT, rồi cộng thêm việc nộp thuế VAT vãng lai 2%. Trước tình hình thực tế như vậy, là DN nhỏ nên chúng tôi rất khó khăn, không thể nào chịu nổi”, đại diện của Công ty Hưởng Thanh Bình nói.

Vì thế, trong hội nghị đối thoại giữa các DN với Cục Thuế Tp.HCM vào ngày 27/4, phía Công ty Hưởng Thanh Bình có kiến nghị nếu không cho công ty hoàn thuế thì miễn nộp thuế vãng lai cho DN và ngược lại. 

Bên cạnh đó, nếu đã kích cầu thì nên đồng bộ, không thể nào đầu vào áp thuế VAT 10% mà đầu ra lại là 8%. Điều này buộc DN phải chịu đựng mức chênh lệch 2% về mặt thuế suất trong thời gian làm cho tình hình tài chính trở nên nan giải.

Xoay quanh vấn đề nêu trên, phía Cục Thuế Tp.HCM có thừa nhận rằng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP chỉ áp dụng trong vòng 11 tháng của năm 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng. Khi ban hành nghị định này sẽ khó tránh phát sinh một số trường hợp thuế suất đầu ra sẽ thấp hơn đầu vào. 

Tuy nhiên, đối với những công ty xây dựng, thông thường giá trị nhận thầu thi công lúc nào cũng lớn hơn giá trị đầu vào. Cho nên, nếu như phản ánh của DN nêu trên là thật thì có thể rơi vào trường hợp giá thầu thi công của công ty thấp hơn giá trị đầu vào, từ đó phát sinh tình trạng còn thuế được khấu trừ.

Lúng túng áp dụng làm chậm trễ thanh toán công nợ

Hoặc như phản ánh của Công ty TNHH Ricoh Việt Nam (ở quận 4, Tp.HCM) về thuế suất VAT mà DN đang vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. 

Theo đó, DN này có phát sinh giao dịch kinh doanh, ký hợp đồng cho khách hàng thuê máy photocopy và cung cấp dịch vụ liên quan, mặt hàng xác định được ưu đãi giảm thuế VAT còn 8%.

Với dịch vụ cho thuê máy, hiệu lực hợp đồng và phát hành hoá đơn tính phí dịch vụ từ ngày lắp đặt, bàn giao máy, do vậy chu kỳ tính phí dịch vụ hàng tháng không nằm gọn trong một tháng mà thường bắt đầu từ giữa tháng này đến giữa tháng sau. Tuỳ theo hợp đồng đã ký mà DN sẽ xuất hoá đơn đầu kỳ hay cuối kỳ (hoàn thành dịch vụ).

Như lưu ý của đại diện Công ty Ricoh, trước khi có Nghị định 15 quy định về giảm thuế VAT thì DN vẫn phát hành hoá đơn theo thuế suất VAT thông thường là 10% với những hợp đồng hiện hữu và xuất hoá đơn không thay đổi.

Tuy nhiên, khi Nghị định 15 có hiệu lực thì DN lại gặp khó khăn vì không có quy định cụ thể thuế suất 8% được áp dụng theo ngày xuất hoá đơn phát sinh nghĩa vụ thuế hay theo ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, hàng hoá. 

Trong Nghị định 15 thực ra chỉ quy định giảm thuế VAT từ ngày 1/2 đến 31/12/2022 cho các DN có hàng hoá kinh doanh đủ điều kiện giảm. Điều này khiến cho DN và các khách hàng lúng túng trong việc xử lý, ghi nhận hoá đơn đã phát hành. 

Và đó là lý do dẫn đến việc chậm trễ thanh toán công nợ, gây khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nhất là khi các DN vẫn chưa thực sự hiểu rõ những quy định trong Nghị định 15. 

Không chỉ ở hai DN nêu trên, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN cho biết họ vẫn còn khá lúng túng về chính sách giảm thuế VAT trong Nghị định 15 sau 3 tháng có hiệu lực. 

Chẳng hạn, với một số DN chuyên sản xuất dây cáp điện và cáp đồng trục, hạt nhựa PVC, sản phẩm của nhựa PVC… đến nay vẫn chưa có hướng xử lý những hoá đơn đã xuất theo thuế suất đã giảm (đối với những trường hợp mà mặt hàng của công ty không được giảm).

Hay như có DN khi nhập khẩu mặt hàng caffeine (một chất đắng xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực vật) và cho rằng sản phẩm này không thuộc diện giảm thuế VAT vì khi khai báo hải quan đã xếp mặt hàng này vào ngành sản phẩm hoá chất hữu cơ. Cho nên phía DN bán ra với mức thuế suất VAT 10%.

Thế nhưng, phía khách hàng lại không chấp nhận mức thuế suất này. Họ cho rằng sản phẩm hoá chất là tên chung cho ngành sản phẩm cấp 2 và bên dưới có chi tiết ngành sản phẩm cấp 7. Vì thế, toàn bộ sản phẩm này thuộc diện giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.

Tựu trung lại, đã 3 tháng áp dụng chính sách giảm thuế VAT theo Nghị định 15 nhưng các DN vẫn vừa làm vừa lo, vẫn lúng túng như “gà mắc tóc” chỉ vì còn thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế.

Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết