Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá sữa quá đắt, còn giá thuốc lá vẫn quá rẻ

Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc lại nghịch lý về tình trạng giá thuốc lá tại Hội thảo “Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá” sáng 13/8.

Vào năm 2014, tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, bà Nguyễn Thị Khá khi ấy là Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề của Quốc hội, đã so sánh giá sữa và giá thuốc lá của Việt Nam với Singapore: “Ở các nước, như Singapore, giá một bao thuốc lá bằng 4 lít sữa, còn Việt Nam thì ngược lại, giá 1 bao thuốc bằng 1 lít sữa”.

-9134-1723526862.jpg

Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới.

Từ đó đến nay đã 10 năm, tuy nhiên nghịch lý này vẫn còn tồn tại và được Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, nhắc lại.

“Hộp sữa 180 ml giá khoảng 12.500 đồng/hộp, chúng ta phải uống 5 - 6 hộp một ngày mới đảm bảo, trong khi giá một bao thuốc lá trung bình dưới 10.000 đồng, có những bao giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng. Thuốc lá quá rẻ, cho nên đây là nguyên nhân chính khiến việc sử dụng thuốc lá không giảm tiếp nữa mà có xu hướng tăng lên, gây tổn thất kinh tế xã hội to lớn”, ông Nguyễn Tuấn Lâm chỉ ra.

Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu. Việt Nam đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, tuy nhiên giá thuốc lá vẫn được nhận định quá rẻ, “chỉ bằng gói xôi” - theo so sánh của bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, dẫn đến nhiều đối tượng có thể tiếp cận được, thậm chí là trẻ em.

Đó cũng là quan điểm của TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: “Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi”.

Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: năm 2008 mức thuế suất từ 55% tăng lên mức 65%, năm 2016 tăng lên mức 70%, năm 2019 tăng lên mức 75%. Các chuyên gia cho rằng với mức tăng thuế suất thấp, 5 - 10%/lần, cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng tương đối dài nên mức tăng giá thuốc lá do tăng thuế là không đáng kể.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, lần này, thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% giá xuất xưởng và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026 - 2030 với 2 phương án.

Phương án 1: Năm 2026 bổ sung thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: Năm 2026 bổ sung mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối tăng lên 10.000 đồng/bao.

Nhận định về đề xuất của Bộ Tài chính, WHO cho rằng đây là một bước đi đúng hướng nhưng các phương án vẫn chưa đủ “sức nặng” để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia. WHO khuyến cáo áp dụng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2026, mỗi năm tăng 2.500 đồng/bao, lộ trình đến 2030 đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao.

“Mô hình của chúng tôi cho thấy tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020”, TS. Angela Pratt cho biết.

Còn Ths. Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế nhận định, các mức thuế Bộ Tài chính đưa ra tuy chưa hoàn hảo so với nghiên cứu của WHO và các tổ chức thế giới nhưng cũng đã khá khả quan, có thể đạt được 2/3 kỳ vọng mục tiêu: “Trong 2 phương án của Bộ Tài chính, tôi ủng hộ phương án số 2 hơn vì ưu tiên giảm ngay được số lượng người tiêu dùng thuốc lá trong năm đầu tiên bổ sung thuế”.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm người thu nhập thấp: “Nghiên cứu của DEPOCEN cho thấy, chi tiêu thuốc lá lấn át các chi tiêu quan trọng khác trong hộ gia đình như giáo dục, y tế. Ảnh hưởng này hiện đang mạnh nhất ở nhóm hộ nghèo ở Việt Nam. Nên nếu tăng thuế, giảm được tiêu dùng thuốc lá thì người có thu nhập thấp chuyển được chi tiêu sang các hàng hóa, dịch vụ có ích hơn”.

Do vậy, theo chuyên gia này, cần tăng thuế ở mức đủ cao để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng. Nếu chỉ tăng nhẹ thì người tiêu dùng không giảm sử dụng mà chỉ phải trả giá cao hơn. Ngoài ra, tăng thuế sẽ tăng nguồn thu ngân sách và một phần đáng kể của ngân sách nói chung được sử dụng cho các đầu tư công, các chương trình hỗ trợ cho người thu nhập thấp.

Đỗ Kiều


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết