Giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng nội địa
Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp do giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8% sẽ góp phần giảm giá bán, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, qua đó tăng khả năng phục hồi và mở rộng kinh doanh.
Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, giảm 2% thuế VAT không được làm giảm thu và tăng bội chi ngân sách năm nay, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Người dân đang hạn chế chi tiêu
Trong một hội thảo về thúc đẩy phát triển kinh tế được tổ chức ngày 16/5, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: “Báo cáo kinh tế vĩ mô cho thấy, bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng, chủ yếu dựa trên các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công…., chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn. Mặc dù có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý II nhưng có thể cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường.
Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, tôi vừa đi dọc miền Trung, khách thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế”.
Các chuyên gia cho rằng giảm thuế VAT góp phần kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
Để kinh tế sớm phục hồi, chuyên gia này kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của Nhà nước và công cụ của doanh nghiệp. Trong đó, nghiên cứu tiếp tục giảm thuế VAT theo từng ngành.
“Thuế VAT chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6% - cần giải pháp mạnh hơn. Thứ hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng”, ông Lịch nêu.
Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức chia sẻ về những khó khăn của ngành bán lẻ trong thời gian qua: Nếu như mức tăng trưởng của ngành bán lẻ năm 2022 là 22% thì năm 2023 theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ 17,5% nhưng thực tế những tháng đầu năm, con số này còn thấp hơn. Thống kế của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy không có nhà bán lẻ nào trong quý I tăng trưởng dương.
Một yếu tố khác tác động tiêu cực đến thị trường bán lẻ cũng được ông Đức nhắc đến là thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản. "Mọi người hay nói đến câu chuyện giá nhà, giá bất động sản. Ai cũng thấy hiện nay, mặt bằng trống rất nhiều nhưng thực tế giá thuê không giảm nên mạng lưới thị trường bán lẻ không thúc đẩy được", ông Đức nói.
Từ những phân tích trên, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đưa ra kiến nghị: cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm thuế VAT 2% cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó doanh nghiệp có thêm "hơi thở" mới.
Chia sẻ với VnBusiness, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Bản (chuyên cung cấp các thiết bị điện tử phục vụ người tiêu dùng) đã nêu dẫn chứng cụ thể về tác động của việc giảm thuế VAT. Cụ thể: Khi giảm 2% thuế, doanh nghiệp này sẽ được giảm khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế. Còn với người tiêu dùng, khi mua 1 sản phẩm có giá khoảng 1,5 triệu đồng của doanh nghiệp này cũng sẽ được giảm giá gần 30 nghìn đồng.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Bản, việc hàng hóa được giảm giá sẽ kích thích người tiêu dùng hồ hởi mua hàng nhiều hơn, nhờ đó cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn.
Lo giảm thu ngân sách nhà nước
Mặc dù hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp đều tán thành việc giảm thuế VAT. Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT ngày 16/5, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về hiệu quả của chính sách, đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị có đánh giá cụ thể tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi nói về đề xuất giảm thuế VAT cũng cho biết đây là một trong các giải pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết khó khăn hiện nay. Việc giảm thuế nhằm mục tiêu chính là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Dự kiến của Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù ngân sách nhà nước hụt thu do cắt giảm 2% thuế VAT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital nhận định, việc giảm thuế VAT có 3 tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn.
“Việc tăng chi, giảm thu sẽ không tạo sức ép nợ cho các năm sau. Hiện tại, trần nợ công của Việt Nam dưới 65% GDP, vẫn trong vùng an toàn. Do đó, chính sách giảm thuế của Bộ Tài chính là giải pháp cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay, là bản lề cho các mục tiêu kinh tế quan trọng khác”, ông Tuấn nói.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43/2022, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc giảm thuế VAT được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, điểm mới ở lần trình này là Chính phủ quyết định không thực hiện giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như đề xuất trước đó. Cụ thể, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. |
Thanh Hoa