Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ vướng để nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường mua bán nợ

Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy các cơ hội và nhận định thị trường mua bán nợ của Việt Nam hấp dẫn, tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế khiến nhà đầu tư khó "chen chân". Do đó, các chuyên gia cho rằng, khi giải quyết được các vướng mắc về mặt cơ chế, sẽ thúc đẩy thị trường mua bán nợ sôi động, trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với những khoản nợ phát sinh trong thời gian tới.

Nợ xấu đang có chiều hướng tăng nhanh từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng tỷ lệ các khoản nợ cần chú ý (nhóm 2) trên tổng dư nợ đã tăng từ 3,4% trong quý IV năm ngoái lên 4,4% trong quý I năm nay. Các khoản nợ ở mức rủi ro cao hơn được dự báo cũng sẽ tăng nhanh do những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và tàn dư từ đại dịch COVID-19. Trong khi đó, cơ chế thúc đẩy thị trường mua bán nợ để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Chưa phát huy được hiệu quả

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) rất đáng lo ngại. Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo (TSBĐ) rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Nhiều ngân hàng TMCP cho hay, khủng hoảng niềm tin chưa từng có xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tác động tiêu cực đến điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Thị trường đóng băng đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

-7799-1688381730.jpg

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đang được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu ở một số ngân hàng đã ở mức báo động.

Mặc dù nhìn trên tổng thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đang được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu ở một số ngân hàng đã ở mức báo động. Điển hình như: Nợ nhóm 2 của BIDV đến cuối quý I tăng 47%, nợ nhóm 3 hơn gấp đôi, còn nợ nhóm 4 tăng hơn 60%. Với VietinBank, cả ba khoản mục này đều tăng so với cuối năm trước.

Với Techcombank, quy mô nợ nhóm 3-5 cũng tăng hai chữ số trong quý I năm nay; Còn MB xét về tỷ lệ, mức tăng của nhóm nợ quá hạn cũng khá cao. Cụ thể, đến cuối quý I, quy mô nợ cần chú ý - nợ chậm thanh toán đến 90 ngày - của MB gấp gần ba lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 cũng tăng gấp gần ba lần, trong khi nợ nhóm 4-5 tăng ở mức hai chữ số. Tổng nợ nhóm 3-5 của nhà băng này tăng gần 70%, trong khi tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm đạt 4,5%.

Hiện có khoảng 32.000 tỷ đồng nợ xấu được niêm yết trên sàn giao dịch nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Kỳ vọng là nơi các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán nợ gặp nhau nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động, mới có khoảng 1.000 tỷ đồng được xử lý qua sàn. Thành viên tham gia chủ yếu vẫn chỉ có VAMC và các ngân hàng.

Nguyên nhân do thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Về chủ thể tham gia, chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của những chủ thể không phải là VAMC, công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC)… Mặt khác, các công ty tham gia mua bán nợ chuyên nghiệp còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực tài chính, các tổ chức hỗ trợ như môi giới, tư vấn, định giá, định hạng tín nhiệm chưa phát triển…

Ngoài việc các ngân hàng chủ động trích lập dự phòng, việc nhanh chóng thúc đẩy một thị trường mua bán nợ sôi động được cho là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với những khoản nợ phát sinh trong thời gian tới.

Trong khi đó, một kênh xử lý nợ xấu khác của VAMC là thông qua đấu giá. Tuy nhiên Luật Đấu giá năm 2017 khoanh vùng phạm vi chỉ những khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đã đưa về VAMC mới được đem ra bán, thay vì mở rộng cho các khoản nợ cần xử lý trong toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, sau 5 năm thực thi luật, khối lượng nợ xử lý thành công qua đấu giá mới chỉ đạt 2.500 tỷ đồng.

Thị trường mua bán nợ 'tỷ USD' hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Khó tham gia vào thị trường mua bán nợ của Việt Nam cũng được chính nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ. Theo đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, đã dành khoảng 3 tỷ USD để đầu tư mua bán nợ vào các thị trường cận biên và thị trường mới nổi, nhưng chưa có Việt Nam do những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ xử lý nợ xấu chưa rõ ràng.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, xét về tiềm năng, với tổng giá trị nợ xấu của các TCTD ở mức cao (khoảng 343.000 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2023), và có thể còn tăng lên trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp, bên vay gặp nhiều khó khăn và Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024, cùng với dư nợ tín dụng hiện tại 125% GDP... Tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng là rất lớn.

Do đó, ông Lực cho rằng, thị trường mua bán nợ nên cho phép mua bán cả nợ xấu và nợ thông thường để tăng thanh khoản cho thị trường, thu hút tiền của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ về thông tin của các khoản nợ được bán (thông qua dữ liệu lớn) để nhà đầu tư thuận lợi hơn trong đánh giá các khoản nợ, từ đó thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy các cơ hội và nhận định thị trường mua bán nợ của Việt Nam hấp dẫn. Khi có thể giải quyết các vướng mắc về mặt cơ chế, thị trường mua bán nợ (gồm cả nợ xấu) có thể thu hút thêm nhiều chủ thể trong và ngoài nước tham gia, sản phẩm đa dạng hơn. Do đó sẽ có những bước phát triển nhanh hơn”, ông Lực cho hay.

Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính có thể cân nhắc việc thành lập trung tâm mua bán nợ có thể do DATC là đầu mối, có kết nối chặt chẽ với sàn mua bán nợ xấu của hệ thống TCTD do VAMC làm đầu mối nhằm khơi thông thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng.

Huyền Anh


Tác giả: Chưa phát huy được hiệu quả
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết