Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng lậu, hàng giả lộng hành cuối năm: Trách nhiệm không của riêng ai!

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, vấn nạn hàng lậu, hàng giả hàng lại "nóng" hơn bao giờ hết. Đây là nỗi lo không chỉ của người tiêu dùng, doanh nghiệp...

Còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, thời điểm này, câu chuyện về hàng giả, hàng lậu được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết. Không phải là vô cớ khi nhiều năm qua, cứ vào dịp cuối năm, hàng loạt các vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê cho thấy, nếu như tháng 5/2023 chỉ có 223 vụ vi phạm về hàng hàng lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng thì tháng 7 số vụ vi phạm đã tăng lên 438 vụ. Và trong tháng 8 con số này tiếp tục tăng lên 534 vụ.

Thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới âm thầm diễn ra trong 365 ngày nhưng vào dịp cuối năm vấn nạn này lại trở nên "nóng" hơn với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường.

Sở dĩ có tình trạng này là do nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân vào dịp cuối năm gia tăng mạnh. Nắm bắt cơ hội này, các đối tượng đã trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng. Các mặt hàng buôn lậu trọng điểm tập trung vào nhóm hàng có giá trị cao, nhu cầu tiêu dùng lớn như xăng dầu, đường cát, phân bón, hàng điện tử, thời trang, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu bia... Hành vi vi phạm chủ yếu gồm kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc; kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Hàng lậu, hàng giả lộng hành cuối năm: Trách nhiệm không của riêng ai!

Cuối năm lại lo chuyện hàng lậu, hàng giả lộng hành

Theo lực lượng Quản lý thị trường, sở dĩ hàng giả ngang nhiên “lộng hành” bởi một bộ phận người kinh doanh không nhận thức được tác hại của hàng cấm, hàng giả, nên vẫn tìm cách tiêu thụ. Thậm chí có không ít người dù biết là hàng giả, hàng lậu nhưng vẫn bất chấp sản xuất, vận chuyển, buôn bán vì lợi nhuận lớn.

Cùng với đó, có doanh nghiệp không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hàng hoá của mình, chưa quan tâm đến công tác chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu; chưa phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả.

Thực tế, dù các cơ quan, đơn vị liên quan đã liên tục kiểm tra, kiểm soát, nhưng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cao và lực lượng thanh tra cũng còn mỏng nên ngoài "chiến dịch" tổng kiểm tra trên diện rộng, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình đó điều quan trọng là cần huy động sự tham gia của chính quyền cơ sở và người dân nhằm phát hiện những cơ sở vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu.

Tuy nhiên, nếu chỉ mở những đợt cao điểm thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh, buôn bán và vận chuyển hàng lậu. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này. Muốn thế cần có giải pháp phối hợp giữa các ngành liên quan, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu. Và khi phát hiện những vi phạm thì các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thậm chí, xử lý hình sự một cách nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm.

Và mỗi người dân cũng phải trở thành một người tiêu dùng “thông thái” bằng cách tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như tiêu dùng, không nên ham rẻ mà mua phải những mặt hàng giả mạo, hàng kém chất lượng...

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết