Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động dịch vụ không còn là ‘cửa ngách’ duy trì lợi nhuận của ngân hàng?

Thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) sụt giảm khiến lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ “lao dốc” càng khiến cho bức tranh lợi nhuận của nhiều nhà băng thêm ảm đạm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những ngân hàng đầu tư mạnh về công nghệ và sản phẩm nhiều năm qua, có tệp khách hàng lớn và chấp hành nghiêm chỉnh quy định bán chéo sản phẩm bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng từ mảng hoạt động dịch vụ.

Tăng thu lãi ngoài giúp cải thiện lợi nhuận

Biên lãi cho vay ròng (NIM) thu hẹp đã được phản ánh trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng, tuy nhiên thu nhập ngoài lãi lại đang trở thành một điểm sáng tại một số nhà băng trong bối cảnh khó khăn.

Cụ thể, lãi suất huy động và cho vay giảm sâu khiến NIM của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 3,3% năm 2022 xuống còn 3% và các chuyên gia dự báo có thể còn giảm thêm. Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, một số nhà băng tích cực đẩy mạnh tăng thu ngoài lãi để bù đắp cho sự hụt thu từ kinh doanh tín dụng.

-5629-1691402940.jpg

Vietcombank ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Theo khảo sát của VnBusiness, tính đến đầu tháng 8, có 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, trong đó ngân hàng có mức tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất là Nam A Bank đạt 241,6 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo là ABBank với 289 tỷ đồng, tăng 92,4%. MSB đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng khi ghi nhận mức tăng đến hơn 86% lên 1.081 tỷ đồng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%; BaoVietBank tăng 66,7% từ 29 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 49 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ so với cùng kỳ như: VietinBank tăng hơn 33%, TPBank tăng hơn 25%, Eximbank tăng gần 21%, Kienglongbank tăng 31,5%, BacAbank tăng 47,5%...

Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối thì Techcombank vẫn giữ vị trí "đầu bảng" trong 6 tháng đầu năm với gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ; tiếp đến là VietinBank với 3.875 tỷ đồng; xếp vị trí thứ ba là VPBank ghi nhận 3.225 tỷ đồng.

Ba “ông lớn” có vốn nhà nước còn lại là BIDV, Vietcombank, Agribank xếp theo sau, lần lượt là gần 3.200 tỷ đồng, hơn 3.000 tỷ đồng và gần 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không phải ngân hàng nào cũng tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ. Có đến 14/29 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Trong đó, NCB là nhà băng có lãi từ dịch vụ sụt giảm sâu nhất (88,9%), Sacombank (59,9%), SeABank (52,2%), VietCapitalBank (36,4%), MB (27%)…

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank, Agribank sụt giảm lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ so với cùng kỳ, lần lượt là 9,6% và 7,9%.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, gia tăng trải nghiệm của khách hàng với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt cũng như tối ưu chi phí vận hành, đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu, đặc biệt trong hoàn cảnh các hoạt động kinh doanh dựa trên cho vay đang có nhiều biến động bất lợi. Không chỉ kiểm soát mức tăng trưởng ổn định và an toàn, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Nhờ đó, lợi nhuận từ mảng này đóng góp đáng kể vào bức tranh lợi nhuận chung của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB chia sẻ: “Sự chuyển dịch này phù hợp với chiến lược hiện tại của MSB khi giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư… Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn”.

Thu ngoài lãi không còn là “cứu cánh” lợi nhuận của một số ngân hàng

Có thể thấy, trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021, chuyển đổi số mạnh mẽ giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Nguồn thu ngoài lãi, từ phí dịch vụ được xem là “cứu cánh” lợi nhuận của ngành ngân hàng. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh của các nhà băng khi tỷ trọng nguồn thu từ phí dịch vụ, bán bảo hiểm... trong tổng lợi nhuận khá cao.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, mảng kinh doanh này sụt giảm mạnh tại nhiều ngân hàng. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, thu nhập ngoài lãi quý I/2023 chiếm trung bình 20% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, giảm 21,7% so với cùng kỳ khi các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán giảm. Còn thu nhập từ bán chéo bảo hiểm - vốn chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ, bị ảnh hưởng do các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.

Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức - bán qua ngân hàng... ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ. Dự báo, lãi từ phí bảo hiểm cả năm giảm 10 - 15%.

Các chuyên gia dự báo tăng trưởng phí mới trong quý III/2023 tiếp tục giảm sút, nhất là trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, niềm tin vào bảo hiểm chưa được phục hồi, các đợt thanh - kiểm tra tiếp tục được thực hiện...

Tuy nhiên, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Khối Phân tích định chế tài chính, FiinGroup cho rằng, mặc dù có sự giảm tốc nhất định do môi trường kinh doanh không thuận lợi cùng với xu hướng tín dụng trong năm qua, mảng thu nhập từ phí và hoa hồng đóng góp 11,4% thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, mở rộng 1% so với thời điểm trước dịch Covid-19 và duy trì đà tăng trưởng 2 con số, qua đó từng bước giúp ngân hàng giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

"Những ngân hàng làm tốt điều này là những ngân hàng đã đầu tư mạnh về công nghệ và sản phẩm nhiều năm qua", chuyên gia này cho hay.

Đại diện VPBank cho biết, việc mở rộng hệ sinh thái với sự tham gia của OPES và VPBankS trong mảng bảo hiểm và chứng khoán trong năm 2022 hứa hẹn sẽ giúp VPBank đa dạng hóa nguồn thu, lấn sân sang các lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển như bảo hiểm phi nhân thọ, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản…

Huyền Anh


Tác giả: Tăng thu lãi ngoài giúp cải thiện lợi nhuận
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết