Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để bất ổn thị trường xăng dầu ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng

Tình hình bất ổn của thị trường bán lẻ xăng dầu rất cần sớm vãn hồi giữa lúc xu hướng thắt chặt chi tiêu vì hàng hóa tiêu dùng vẫn còn duy trì ở mức giá cao. Chính sách kiểm soát giá cũng cần tiếp tục phát huy để không ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng trong các tháng cuối năm nay.

Dù đang trong đợt cao điểm cận Tết Trung thu, thế nhưng những đánh giá từ giới truyền thông cho thấy thị trường bánh Trung thu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vẫn hết sức ảm đạm, sức mua giảm sút rõ rệt so với những năm trước đây. 

Hiện tượng dị biệt chờ cân bằng

Điều này được cho một phần là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, một phần là do hầu hết các sản phẩm bánh Trung thu đều tăng giá. Nguyên nhân là giá xăng dầu tăng cao từ trước đó khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng và đương nhiên giá bánh sẽ tăng theo. Do đó, khách hàng cũng có tâm lý hạn chế mua sắm hơn so với trước đây.

-9915-1662460023.jpg

Chính sách kiểm soát giá cần tiếp tục phát huy để không ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng trong các tháng cuối năm nay.

Cần lưu ý tình hình kinh doanh ảm đạm của mặt hàng bánh Trung thu diễn ra trong thời điểm thị trường bán lẻ xăng dầu đang có những bất ổn. Nhất là những lo lắng của người tiêu dùng khi vừa phải chịu áp lực về sự biến động của thị trường xăng dầu, vừa phải chịu gánh nặng về hàng hóa tiêu dùng vẫn duy trì ở mức giá cao.

Bàn về tình hình bất ổn của thị trường xăng dầu hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhận định đây là hiện tượng dị biệt.

Với tình cảnh giá xăng giảm, nhưng giá dầu tăng vọt, ông Bảo cho biết đối với tổng sản lượng xăng dầu bán ra trên thị trường nội địa thì dầu diesel chiếm tỷ trọng 60% - 65%. Và chính việc tăng giá dầu diesel làm chi phí vận chuyển tăng theo, dẫn đến tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, mặt hàng xăng tác động đến nhu cầu tiêu dùng cá nhân, phương tiện đi lại của cá nhân là chủ yếu; còn việc tăng giá mặt hàng dầu diesel lại tác động đến nền kinh tế thông qua việc tăng chi phí cho tàu thuyền, vận tải hàng hoá và các lĩnh vực hoạt động công nghiệp khác.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng đây là khoảng thời gian rất dị biệt của giá dầu thế giới, về dài hạn thì chắc chắn sẽ cần cân bằng giá dầu và giá xăng nhằm trở lại ở mức tương đồng. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu đối với những sắc thuế và với những tác động, cũng như sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sao cho hợp lý. 

Đối với nguồn cung xăng dầu hiện nay, có thể thấy nguồn cung trên thế giới cùng với 2 nhà máy lọc dầu trong nước đều không có yếu tố nào nhắc đến việc nguồn cung bị hạn chế, tức tác động khách quan là không có.

Thế nhưng, như lưu ý của ông Bảo, khi kiểm tra lại các đầu mối xăng dầu thì thấy họ cũng tuân thủ theo chỉ đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, sau 5 lần giảm giá xăng và giá xăng dầu trên thế giới cũng tăng rất lớn, đã tác động đến các doanh nghiệp (DN) do chi phí tính trong cơ cấu giá không đủ, dẫn đến bị lỗ.

“Vì vậy, sau 5 lần giảm giá xăng thì các DN rất ngần ngừ theo dõi giá quốc tế, do đó phần nhập xăng dầu có thể chỉ đủ theo quy định của Nhà nước thay vì có phần dôi dư”, ông Bảo nói.

Kiểm soát giá vì lợi ích của người tiêu dùng

Ngược lại, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các DN kinh doanh xăng dầu dù có tổ chức ký kết với nhau nhưng xảy ra trường hợp quan hệ về hợp đồng kinh tế không được tuân thủ. Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương cần phải kiểm tra xem phần lỗi thuộc về ai.

Trước bất ổn của thị trường bán lẻ xăng dầu, giới chuyên gia nhấn mạnh là cần hướng đến lợi ích của người tiêu dùng, nhất là trước thông tin nguồn cung xăng dầu không ổn định sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Bởi lẽ, như lưu ý của Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình. Biến động về giá xăng sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. Trong rổ hàng hóa tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Cần lưu ý rằng đây chỉ là con số trung bình, nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.

Trong khi đó, dựa trên báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8/2022, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhóm Giao thông tiếp tục là nhóm hàng có mức tăng giá mạnh nhất, ở mức 8,94% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá xăng tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. 

Dù vậy, với việc giá xăng dầu có 5 lần điều chỉnh giảm liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8/2022, giá nhóm Giao thông trong tháng 8/2022 chỉ còn tăng 8,94%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay, thấp hơn nhiều so với mức 21,41% trong tháng 6 và 15,22% trong tháng 7 vừa qua.

Tuy thế, BVSC có lưu ý trong các tháng cuối năm, với nhu cầu du lịch tăng cao và mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021, nhóm Ăn uống ngoài gia đình và Thực phẩm nhiều khả năng sẽ thay thế nhóm Giao thông trở thành nhóm tạo áp lực tăng lớn nhất đối với chỉ số CPI của Việt Nam.

Bộ phận phân tích của BVSC cũng cho rằng, các chính sách kiểm soát giá của Chính phủ vẫn đang phát huy được hiệu quả khi chỉ số CPI trung bình 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình trong giai đoạn 2006-2021 (khoảng 6,8%).

Cho nên, dù cho thị trường bánh Trung thu có ảm đạm hay tình hình bất ổn của thị trường xăng dầu đang chờ vãn hồi thì giới phân tích vẫn lạc quan nhận định thương mại bán lẻ trong tháng 9 này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi so với mức nền thấp trong cùng kỳ năm 2021 (do tác động của làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam). Gói giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài tới cuối năm vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2022. 

Thêm vào đó, dịp Tết Nguyên đán tới sớm ngay trong tháng 1/2023 cũng sẽ là yếu tố giúp cầu tiêu dùng duy trì diễn biến tích cực trong tháng 11 và tháng 12 tới.

Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết