Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh): Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 vướng mắc giải phóng mặt bằng

Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 được ví như trục đường xương sống của KKT Vân Đồn, Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc thi công dự án lại vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Dự án trọng điểm nhưng thi công "ỳ ạch"

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 2/12/2020. Đây là công trình giao thông cấp II với vận tốc thiết kế 50 km/h, tổng chiều dài 9,5km, nền đường rộng từ 24-44m, thiết kế 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn đường gom), có dải phân cách giữa, hệ thống cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng.

Chủ đầu tư Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án gần 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh.

Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 có điểm đầu đấu nối với tuyến đường trục chính Khu đô thị Cái Rồng, điểm cuối nối với nút giao đường sân bay Vân Đồn - Khu công viên phức hợp.

Với vị trí đặc biệt như trên, dự án này được kỳ vọng sẽ là trục đường xương sống kết nối, đồng bộ các phân khu chức năng, các đô thị, khu du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn. Theo đó thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến huyện Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh): Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 vướng mắc giải phóng mặt bằng

Đoạn đường thuộc Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 đang bị chậm tiến độ

Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng quá trình thi công dự án này vẫn diễn ra rất "ỳ ạch". Được biết, dự án được khởi công từ tháng 5/2021, dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành giữa năm 2023. Tuy nhiên đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 60% các hạng mục.

Cụ thể, dự án trên mới hoàn thành 2 cầu trên tuyến, hạng mục nền đường mới thi công được hơn 50%, thảm nhựa mặt đường được 30%, cống tròn và cống hộp đúc được hơn 70%...

Hiện nay, Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 tiếp tục được gia hạn thi công do gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Theo tìm hiểu, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng đoạn đầu tuyến của Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 có nhiều vướng mắc, dẫn đến một số hộ dân chưa đồng thuận.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Văn Giang (sinh năm 1957, thôn 1, xã Hạ Long) là một hộ dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng cho biết, chính quyền xã đã thông báo khi thu hồi đất sẽ đền bù hơn 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu mua nhà theo suất tái định cư thì giá lên đến 23 triệu đồng/m2, điều này khiến gia đình không chấp nhận được.

Bên cạnh đó, diện tích đất tái định cư chật hẹp hơn nhiều so với diện tích đất gia đình đang ở. Hơn nữa, khi chuyển lên khu tái định cư có thể ảnh hưởng đến sinh kế của các thành viên trong gia đình. “Ngôi nhà tôi đang ở gần mặt đường vẫn tận dụng kinh doanh được. Nếu chuyển lên khu tái định cư thì chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống?”, ông Giang bộc bạch.

Đại diện một hộ dân khác là ông Nguyễn Duy Chi (thôn 1, xã Hạ Long) cho biết, gia đình ông rất ủng hộ chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở của nhà nước. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng cần được minh bạch và bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh): Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 vướng mắc giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Duy Chi cho biết sẽ ủng hộ việc giải phóng mặt bằng nếu việc đền bù thỏa đáng

Liên quan đoạn đường qua xã Hạ Long bị chậm thi công, phóng viên đã liên hệ xác minh với ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long. Ông Ninh cho biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản tạm dừng giải phóng mặt bằng đoạn đường này và cũng chưa xác định được thời gian thi công trở lại.

Theo ông Duyên Thanh Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công như hiện nay là do vướng mắc trong công tác giải phóng xong mặt bằng. Toàn dự án có hơn 9,5 km thì còn 5 km chưa giải phóng được mặt bằng.

Việc giải phóng mặt bằng dự án trên gặp khó khăn do trước đó khi xây dựng phương án triển khai dự án thì áp dụng cơ chế, chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh giai đoạn 2015-2020. Đến năm 2021, dự án mới bắt đầu được triển khai, nên người dân có đất bị chiếm dụng đã yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nguồn kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng cũng bị “đội giá”.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phối hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư và bố trí thêm kinh phí để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết