Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Tân Hoàng Minh, FLC bị bắt là ...

Sự thanh lọc, xử lý vi phạm của những cá nhân đứng đầu một doanh nghiệp lớn nhưng làm ăn phi pháp sẽ giúp Việt Nam hình thành tầng lớp doanh nhân tốt, phát triển mạnh và tuân thủ pháp luật hơn.

DSC09201-2-4003-1649380680.jpg

TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam

Đây là chia sẻ của TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam với VnBusiness khi đánh giá về sự chuyển động của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2022.

Thưa ông, các tổ chức quốc tế vừa đưa ra các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022, theo WB là 5,3%, ADB là 6,5%? Ông có bình luận gì về những dự báo này?

-Với mức tăng trưởng GDP quý I đạt được là 5,03%, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng đặt ra 6,5% trong năm nay là thách thức lớn. Theo tính toán của chúng tôi, để đạt được mức tăng 6,5%, mỗi quý còn lại, GDP phải tăng trung bình 7%.

Tất nhiên, chúng ta mới chỉ đi được 1/4 chặng đường, vì vậy vẫn có quyền kỳ vọng tăng trưởng GDP những quý sau sẽ tốt hơn, đồng thời khai thác được các động lực mới của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng mục tiêu đó ngày càng thách thức.

Bối cảnh hiện nay đang cho thấy nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như giá cả hàng hoá gia tăng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp, cung ứng hàng hoá ra thị trường quốc tế, hoạt động kinh doanh...

Đồng thời ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô khi lạm phát có nguy cơ gia tăng. Quý I, lạm phát của Việt Nam vẫn tăng thấp nhưng quý II, quý III, mức tăng giá của hàng hóa chắc chắn sẽ làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Hơn nữa, những dự báo sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu cách đây vài tháng không còn tích cực nữa đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Đông Á do gặp phải những cản trở như xung đột giữa Nga - Ukraine, điều này ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Khi cầu thị trường thế giới giảm sốc, ảnh hưởng tới sức mua với hàng hoá từ Việt Nam.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cơ hội không có đối với nền kinh tế Việt Nam. Hiện, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt, đầu tư nước ngoài đạt được con số ấn tượng... Đây là lợi thế cần phải được phát huy.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì việc đẩy mạnh chương trình phục hồi kinh tế - xã hội rất quan trọng, tuy nhiên đến nay nhiều đầu việc khá chậm trễ. Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công văn yêu cầu các bộ, ngành địa phương giải quyết những nút thắt trên. Đánh giá của ông về vấn đề này ra sao?

-Hiện nay, chính sách hoàn thuế VAT đã thực hiện rồi, nhưng quan trọng gói đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng thì cần được đẩy mạnh hơn nữa, vì điều này mang lại ý nghĩa rất lớn, giúp tăng nguồn chi tiêu của Chính phủ, hình thành cơ sở hạ tầng hỗ trợ nền kinh tế. Từ đó, tác động tới phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Liên quan tới đầu tư công, mới đây Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề xuất phê bình 34 bộ ngành, địa phương vì chưa phân bổ hết vốn kế hoạch năm 2022. Điều này nếu không được giải quyết sẽ cản trở rất lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Vậy, từ góc độ nghiên cứu, ông dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay thế nào?

-Tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Còn với mức tăng trưởng GDP 7% trong năm nay là tương đối khó khăn. Vì vậy, chắc có lẽ Việt Nam vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi chưa có dịch bệnh.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022, trong đó Việt Nam có 7 tỷ phú, con số cao nhất từ trước đến nay. Đây chắc chắn là tín hiệu tích cực với nền kinh tế Việt Nam?

-Việt Nam có thêm tỷ phú cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng là nơi hình thành và nuôi dưỡng tỷ phú, chứ không phải chỉ quốc gia phát triển làm được điều đó.

Đồng thời, điều này cũng cho thấy chính sách của Việt Nam để hình thành lực lượng doanh nhân đang đi đúng hướng theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân. Việt Nam cần lực lượng doanh nhân khác nhau, trong đó có doanh nghiệp lớn, được ví giống như những con "sếu" đầu đàn dẫn dắt cả nền kinh tế.

Việc có thêm nhiều tỷ phú cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có cơ hội nâng cao năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài để giữ thị phần...

Trong danh sách tỷ phú USD cũng có doanh nhân xuất thân từ bất động sản, nhưng một tín hiệu tích cực là có người từng làm bất động sản đã chuyển sang lĩnh vực mới có tính chất đổi mới sáng tạo, đầu tư khoa học công nghệ nhiều hơn.

Cách đây 10 năm, chúng ta cũng không thể tưởng tượng được rằng Việt Nam có thể mở được đường bay quốc tế đến nhiều quốc gia khác nhau, hay đầu tư nhà máy ô tô ở Mỹ - cường quốc về phát triển ô tô.

Tôi cho rằng Việt Nam cần những doanh nhân dám nghĩ, dám làm và làm tốt sẽ được tôn vinh, được tưởng thưởng một cách chính đáng.

Ông bình luận sao về việc cùng với sự kiện Forbes công bố danh sách tỷ phú USD, ở trong nước xuất hiện vụ việc một số lãnh đạo tập đoàn lớn bị bắt, dính vào vòng lao lý như Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh?

-Tôi cho rằng việc có một số lãnh đạo doanh nghiệp có hành vi trục lợi bất chính thì pháp luật sẽ xử lý. Thị trường sẽ đào thải, người tiêu dùng không chấp nhận. Cả hai sự kiện trên đồng thời diễn ra, cách nhìn đều là tốt cả. Đó là sự thanh lọc những người làm ăn phi pháp, đồng thời xã hội sẽ tôn vinh những người làm tốt được thị trường đánh giá ghi nhận.

Tôi cho rằng những việc này sẽ còn diễn ra trong tương lai. Sự thanh lọc này sẽ giúp hình thành nên tầng lớp doanh nghiệp Việt Nam tốt, mạnh mẽ và tuân thủ pháp luật hơn. Doanh nhân sẽ tìm lợi nhuận một cách đàng hoàng chứ không cố tình lách luật tư lợi. 

Xin cảm ơn ông!

Lê Thúy thực hiện 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết