Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ nhưng quy mô tăng trưởng chậm lại

Kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy, nhiều ngân hàng lãi vài trăm tỷ đến cả hơn chục ngàn tỷ, tùy theo quy mô hoạt động. Tuy nhiên, xét về mức tăng trưởng ở nhiều ngân hàng đang chậm lại so với cùng kỳ năm trước.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, cổ đông ngân hàng SHB, VPBank, MSB, Vietcombank, Techcombank… đều quan tâm đến kết quả kinh doanh quý I của các nhà băng.

Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại

Bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng đang dần lộ diện. Tính đến ngày 24/4, đã có 14 ngân hàng tiết lộ về kết quả kinh doanh quý đầu năm, hầu hết các số liệu công bố đều cho thấy mức tăng trưởng dương, thậm chí có ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt đến cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về mức tăng trưởng ở nhiều ngân hàng đang chậm lại so với cùng kỳ năm trước.

-2055-1682329634.jpg

Vietcombank đang dẫn đầu về lợi nhuận tính đến thời điểm hiện tại. 

Cụ thể, vững vàng ở vị trí dẫn đầu vẫn là Vietcombank với lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26% kế hoạch năm 2023. Với kết quả này, ban lãnh đạo Vietcombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh 2023 đã đề ra.

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế quý đầu năm tăng nhẹ 12% lên mức 3.600 tỷ đồng. Với kết quả này, SHB đã thực hiện được khoảng 35% so với kịch bản lợi nhuận cả năm từ 10.200-10.600 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mức 10,3% thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận 94% nhà băng này ghi nhận được trong quý I/2022.

Bên cạnh những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng hai con số, cũng có nhà băng tăng trưởng lợi nhuận 'lẹt đẹt' như tại MSB, trong quý I, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 2%, trong khi quý I/2022, tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này lên đến 30%.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, quý I, lợi nhuận của ngân hàng mẹ chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, nguyên nhân là trong kỳ, ngân hàng trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng. Chưa kể, FE Credit vẫn còn khó khăn, ghi nhận lỗ trong quý I/2023.

Các số liệu trên trùng với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo- Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) khi các ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng. Theo đó, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I năm nay có sự cải thiện, nhưng tốc độ cải thiện chậm lại so với quý trước. Trong khi đó, các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống quý đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Có đơn vị lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023. Một số khác ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Vì sao tăng trưởng lợi nhuận chưa như kỳ vọng

Tại ĐHĐCĐ năm nay, một vấn đề được chất vấn tại hầu hết đơn vị là cơ sở đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Song hầu hết lãnh đạo đều tin rằng, sẽ thực hiện được kế hoạch.

Chẳng hạn, với 4.000 tỷ đồng lợi nhuận đạt được, ngân hàng mẹ VPBank mới đạt 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm, trong khi đã trải qua 1/4 thời gian của năm. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo VPBank vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023 là 24.000 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết kế hoạch kinh doanh đặt ra của ngân hàng trong năm 2023 là thách thức không nhỏ trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp và rủi ro từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông cho rằng với sự chuẩn bị trước về vốn, chiến lược kinh doanh,... đến cuối năm 2023 ngân hàng sẽ đạt được các kế hoạch đã đề ra.

Không chia sẻ kết quả kinh doanh cụ thể, nhưng ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết kết quả kinh doanh quí I/2023 hiện đã vượt so với kế hoạch được ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra theo hướng “thận trọng nhất” với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 14 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I, duy nhất Techcombank đặt mục tiêu giảm tăng trưởng đến 14% so năm 2022, đưa mục tiêu lợi nhuận về mức 22.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận hơn 25.500 tỷ đồng. Như vậy, sau nhiều năm dẫn đầu quy mô lợi nhuận nhóm tư nhân, năm 2023, ngân hàng Techcombank đã điều chỉnh trọng tâm tăng trưởng sang hướng củng cố sức khỏe tài sản và nguồn vốn, trong bối cảnh thách thức của thị trường.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2023 chậm lại không phải thông tin bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, thay vì mức 32% của năm 2022. Nguyên nhân do khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại do lãi suất cho vay quá cao, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng. Ngoài ra, thanh khoản hệ thống, dù có cải thiện, song vẫn hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm lại.

Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh 80% thu nhập của ngành tới từ tín dụng.

Còn theo Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ nét nhất trong nửa sau năm 2023. Trong đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt, số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Huyền Anh


Tác giả: Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết