Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển dịch vụ logistics: 5 kiến nghị từ Sở Công Thương Phú Thọ

Vẫn còn những vướng mắc nhất định trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics của ngành Công Thương tại các địa phương cần được tháo gỡ.

Đánh thức tiềm năng logistics bị “ngủ quên”

“10 ngày sau khi diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024, đã có 4 - 5 doanh nghiệp liên hệ với Sở Công Thương để được cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hạ tầng logistics của tỉnh và đặt vấn đề khảo sát đầu tư”, ông Đặng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - chia sẻ và cho biết, kết quả thu được sau hội nghị, Phú Thọ đã đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất, đó là xúc tiến đầu tư vào phát triển hạ tầng dịch vụ logistics. Theo đó, địa phương đã giới thiệu được toàn bộ các quy hoạch logistics mới của tỉnh cho các doanh nghiệp, đối tác.

các đại biểu và khách mời sẽ tham gia hoạt động khảo sát thực địa cơ sở hạ tầng logistics và khu vực quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Các đại biểu và khách mời sẽ tham gia hoạt động khảo sát thực địa cơ sở hạ tầng logistics và khu vực quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ hai, Sở Công Thương đã kết nối được các doanh nghiệp làm logistics nhỏ lẻ của Phú Thọ với các doanh nghiệp logistics lớn tại các địa phương và các doanh nghiệp đang làm sản xuất công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics.

Chia sẻ câu chuyện trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, ông Đặng Việt Phương cho hay, Phú Thọ hiện đã có Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg. Chính trong quá trình làm quy hoạch tỉnh, địa phương mới có điều kiện để rà soát lại tất cả các hạ tầng thương mại nói chung và hạ tầng logistics nói riêng.

Qua quá trình rà soát cho thấy, Phú Thọ rất có lợi thế về phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, hạ tầng logistics của địa phương còn yếu kém. Đây là lý do để chúng tôi mạnh dạn đưa vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ một hạng mục về quy hoạch hạ tầng logistics với 3 trung tâm logistics mới (1 trung tâm cấp vùng và 2 trung tâm cấp tỉnh) bên cạnh những hạ tầng logistics hiện có.

Sau việc này, Sở Công Thương đã tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 và được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Trong kế hoạch này chúng tôi cũng xây dựng hạng mục kinh phí để thực hiện các kế hoạch (do UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí).

Ông Đặng Việt Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ chia sẻ tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/4.

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ chia sẻ tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/4

5 kiến nghị từ Sở Công Thương Phú Thọ

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ logistics của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, ông Đặng Việt Phương điểm tên 5 vấn đề.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics với có 16 nhóm ngành nghề dịch vụ, trong đó, ngành giao thông vận tải chiếm tới 12-13 nhóm ngành; vai trò của ngành Công Thương trong Nghị định này cũng không được rõ nét. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có 1 chương về thương mại điện tử.

Vì vậy, kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu tham mưu Bộ Công Thương, để từ đó Bộ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 theo hướng quy định rõ hơn về thương mại điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ logistics; nên lồng ghép quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ logistics vào Nghị định này, đồng thời phân định rõ trách nhiệm, vai trò của các ngành.

Thứ hai, về công tác quy hoạch, hiện đã có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics, trong đó, có những địa phương có đưa quy hoạch logistics vào quy hoạch tỉnh.

Trong bối cảnh Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gần hết hiệu lực, cần có Quy hoạch tổng thể chung về hệ thống logistics của cả nước, trong đó, cần có nội dung liên kết vùng, hợp tác phát triển logistics giữa các địa phương phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để tạo thành các chuỗi logistics, từ đó, phát huy được thế mạnh tổng hợp. Các địa phương cần bức tranh tổng thể về quy hoạch logistics của cả nước để có tính liên kết vùng. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng tỉnh Phú Thọ vừa quy hoạch trung tâm logistics thì ngay sau đó các địa phương lân cận cũng làm thêm một cái khác, việc này sẽ dẫn đến không hiệu quả”.

Thứ ba, hiện một số quy định, hướng dẫn của về logistics hiện nay đã không còn phù hợp. Ví dụ, như hướng dẫn về phân hạng trung tâm logistics (hạng 1, hạng 2, hạng 3) từ 5 - 20 ha không giải quyết được vấn đề gì. Hiện nay, các trung tâm logistics họ cần 20 - 30ha thậm chí 100ha. Hay vấn đề cự ly khoảng cách cũng chỉ mang tính tương đối, các trung tâm cấp vùng phải cách nhau 40km hiện cũng không còn phù hợp. Do đó, rất cần các quy định mới.

Thứ tư, hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã được ban hành và có hiệu lực từ 2025. Chính phủ đang xây dựng hàng loạt các Nghị định để hướng dẫn thi hành Luật đất đai. Trong khi đó, cái khó khăn nhất của các địa phương khi quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics cấp tỉnh, cấp vùng đó là vấn đề liên quan đến đất đai.

Ông Đặng Việt Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ
Ông Đặng Việt Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ

Theo quy định hiện nay, đất đai để làm trung tâm logistics được quy vào nhóm đất thương mại, dịch vụ và phải tổ chức đấu giá, đấu thầu. Trong khi đầu tư logistics là việc đầu tư hạng mục hạ tầng có suất đầu tư khá cao, tuy nhiên, thu hồi vốn rất chậm. Việc này không khác nào các nhà đầu tư bỏ tiền cục để đầu tư nhưng thu về tiền lẻ, do đó, đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù.

Do đó, cần phát huy vai trò tiếng nói của Bộ Công Thương trong việc đóng góp ý kiến vào các nghị định này theo hướng đất đai làm trung tâm logistics đưa vào nhóm giống như khu cụm công nghiệp hay đất chợ khu vực nông thôn, miền núi.

Thứ năm, kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu kết nối các Sở Công Thương cũng như hướng dẫn chuyên sâu hơn trong lĩnh vực logistics. Logistcis rất cần có yếu tố liên kết vùng, từ đó, mới tạo lên được chuỗi liên kết logistics từ các địa phương có biển hay không có biển, có sông hay không có sông,… phát huy được thế mạnh tổng hợp của các địa phương.

Nghị định số 96/2022/NĐ-CP của Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics cho ngành Công Thương. Tại các địa phương, theo ngành dọc, Sở Công Thương là cơ quan giúp việc cho UBND các tỉnh/thành phố sẽ là đơn vị đầu mối.

Rõ ràng, từ nhận thức đến hành động không chỉ dừng ở quan tâm mà còn quyết tâm, đồng tâm và nhất trí. Trong đó, sự hiểu biết, đồng hành, phối hợp của các cơ quan, Sở, ban, ngành tại các địa phương là hết sức quan trọng.

Tháo gỡ được các nút thắt về chính sách sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước tại các địa phương được thông suốt và hiệu quả. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết