Tập trung cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%
Để tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, đặt ra yêu cầu xuất khẩu tăng 12% trở lên. Tập trung cho tăng trưởng xuất khẩu đang là nhiệm vụ được đặt ra.
Xuất khẩu vẫn là một trong những động lực chính
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan công bố ngày 12/2 cho hay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã chậm lại trong tháng đầu tiên của năm mới, vốn là tháng có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Tập trung cho tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Minh họa |
Cụ thể, trị giá xuất khẩu đạt 33,19 tỷ USD, giảm 6,6% (tương ứng giảm 2,34 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% (tương ứng giảm 4,94 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2025 thặng dư 3,13 tỷ USD.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%). PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - thông tin, hiện tại, động lực tiêu dùng nội địa vẫn yếu do tâm lý thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp và người dân chưa thực sự mạnh tay chi tiêu.
Do đó, năm nay, chúng ta nên tập trung vào đẩy mạnh chính sách tài khoá, đẩy mạnh vào đầu tư công. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực chính. Hai trụ cột đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế, tạo ra bứt phá trong năm bản lề.
Quyết tâm lớn và những thách thức không nhỏ
Theo các chuyên gia kinh tế, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng xã hội; thúc đẩy xuất khẩu cũng như các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh… đã được đề cập từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, lần này, Chính phủ đã rất chi tiết, cụ thể về các nhiệm vụ, giải pháp cho từng nhóm vấn đề, định lượng bằng những con số rất cụ thể như: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Điều này sẽ là “kim chỉ nam” cho các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay 12% trở lên là không hề đơn giản. Bởi trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, chỉ cần chính sách của Mỹ thay đổi sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam bởi đây là thị trường chiếm tới gần 30% xuất khẩu hàng hóa nước ta trong năm qua.
Do vậy, việc tìm kiếm thị trường ở 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thị trường khác là hết sức cấp thiết, phải xác định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bộ Công Thương, các đại sứ quán và các cơ quan liên quan phải tích cực triển khai ngay từ quý I này, bởi khi tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất mới tăng.
Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến rất quan trọng. Theo đó, phải nhanh chóng thực hiện số hóa quản lý nhà nước, số hóa nền kinh tế và số hóa xã hội; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thủ tục, cũng chính là tạo ra sự công khai, minh bạch tốt hơn cho nền kinh tế.
Xanh hóa sản xuất, tiêu dùng cũng như tái chế phế thải là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. Xanh hóa cũng sẽ là đòn bẩy để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu. Số hóa và xanh hóa sẽ làm thay đổi trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, buộc phải đẩy nhanh và triển khai một cách thực chất các hoạt động xanh hóa, số hóa này.
Xuất khẩu là một trong 3 động lực truyền thống rất quan trọng của nền kinh tế nước ta. Để giữ vững thị trường xuất khẩu trước chính sách thuế của Mỹ và nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, đồng thời đạt mục tiêu tăng GDP từ 8 - 10%, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phải đạt từ 12% trở lên. Để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho hay, Bộ sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu.
Theo đó, tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ những thị trường trọng điểm, chiến lược.
Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan, đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu phản ứng chính sách kịp thời thông qua việc tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan Nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và với phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế.
Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ về xây dựng thương hiệu, marketing, kỹ năng xúc tiến thương mại quốc tế.
Theo các chuyên gia, năm nay, chúng ta phải tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên để tạo đà đạt tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Đó là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống. Để làm được điều đó, xuất khẩu phải duy trì ở mức cao và đầu tư công phải được đẩy mạnh hơn nữa. |