Thị trường hàng hóa ngày 16/1: Giá kim loại quý trái chiều
Kết phiên giao dịch, các mặt hàng kim loại quý tiếp tục biến động trái chiều khi giá bạc tăng vọt gần 4% lên mức 31,5 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm nhẹ.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết dòng tiền đầu tư mạnh quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua kéo chỉ số MXV-Index lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng trở lại đây. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 1,19% lên 2.315 điểm. Từ đầu tuần cho tới nay, thị trường dầu thô đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Khép lại phiên giao dịch 15/1, giá dầu WTI đã vượt mốc 80 USD/thùng; giá dầu Brent cũng phá thủng mức 82 USD. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Bên cạnh đó, thị trường kim loại cũng đón nhận lực mua tích cực, trong đó giá bạc tăng vọt gần 4%.
Chỉ số MXV-Index |
Giá dầu trở lại mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua
Khép lại phiên giao dịch hôm qua, thị trường năng lượng đảo chiều bật tăng khi giá các mặt hàng dầu thô tăng vọt trở lại và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2024, trong bối cảnh tồn kho dầu thô thương mại tại Mỹ giảm mạnh, trong khi các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ lên hoạt động xuất khẩu dầu của Nga tiếp tục gây ra nhiều lo ngại trong giới phân tích về khả năng nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt trong năm 2025.
Kết phiên, giá dầu thô WTI tăng 3,28% lên 80,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng ghi nhận mức tăng 2,64% lên 82,03 USD/thùng.
Bảng giá năng lượng |
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo, tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 10/1 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 là 412,7 triệu thùng, giảm 1,96 triệu thùng so với một tuần trước và vượt qua mức kỳ vọng giảm 0,99 triệu thùng của giới phân tích, đồng thời đánh dấu tuần thứ 8 liên tiếp dữ liệu này giảm. Các chuyên gia đánh giá, mức giảm tồn kho dầu của Mỹ trong tuần vừa rồi chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh trong khi nhập khẩu yếu. Báo cáo của EIA đã tác động “bullish” mạnh lên giá dầu trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ báo cáo hàng tháng của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA). IEA cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran và Nga sẽ được áp dụng đối với các thực thể xử lý hơn một phần ba lượng dầu thô xuất khẩu của hai nước này trong năm 2024. Mặc dù vẫn chưa đưa yếu tố này vào trong các dự báo cho năm 2025, IEA cảnh báo điều này có thể khiến nguồn cung dầu thô và các sản phẩm chưng cất thắt chặt hơn một khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng đầy đủ.
Ngoài ra, triển vọng khả quan thị trường dầu thô toàn cầu năm 2026 trong báo cáo hàng tháng của OPEC cũng là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên hôm qua. Trong dự báo đầu tiên cho năm 2026, OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ đạt 1,43 triệu thùng/ngày, so với mức tăng trưởng 1,45 triệu thùng/ngày của năm 2025.
Giá kim loại quý tiếp tục biến động trái chiều
Theo MXV, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng kim loại trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Các mặt hàng kim loại quý tiếp tục biến động trái chiều khi giá bạc tăng vọt gần 4% lên mức 31,5 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm nhẹ.n
Bảng giá kim loại |
Giá bạc đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng một tháng qua khi các tín hiệu vĩ mô mang đến kỳ vọng rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Theo số liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm qua, loại trừ các thành phần biến động như thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi trong tháng 12 đã tăng 3,2% hàng năm, thấp hơn so với mức tăng dự báo là 3,3%. CPI lõi thấp hơn kỳ vọng là tín hiệu tích cực cho các mặt hàng kim loại quý do FED vẫn có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay. Hiện tại, thị trường kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất tổng cộng 40 điểm cơ bản vào cuối năm, so với mức dự báo 31 điểm cơ bản trước khi dữ liệu lạm phát CPI được công bố. Đây là yếu tố đã giúp giá bạc tăng vọt trong ngày hôm nay.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng cũng có biến động tương đối trái chiều nhưng số lượng mặt hàng tăng giá vẫn nhiều hơn. Giá nhôm LME tăng hơn 1,5%, do lo ngại nguồn cung thắt chặt trong năm nay.
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu dự định sẽ đề xuất lệnh cấm nhập khẩu nhôm nguyên chất từ Nga trong gói trừng phạt thứ 16. Ủy ban châu Âu đã tổ chức các cuộc họp không chính thức với các quốc gia thành viên EU để thảo luận về các chi tiết của gói trừng phạt sắp tới. Được biết, lệnh cấm này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Lệnh cấm nhập khẩu nhôm từ Nga dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tồn kho nhôm trên Sở Giao dịch Hàng hóa London và tác động mạnh mẽ lên giá nhôm trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá đồng COMEX tăng hơn 1% lên mức 4,39 USD/pound (9.676 USD/tấn), mức cao nhất trong hơn 2 tháng do triển vọng kinh tế có sự cải thiện tại Trung Quốc. Theo Goldman Sachs Group, Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng một loạt các biện pháp kích thích để bù đắp ảnh hưởng từ các mức thuế quan dự kiến của Mỹ và tình trạng suy thoái kéo dài trong thị trường nhà ở. Ngân hàng đầu tư này dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa, đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản vốn đang trì trệ. Ngoài ra, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm một lượng tiền gần kỷ lục vào hệ thống tài chính, nhằm tăng cường thanh khoản trong bối cảnh áp lực tiền mặt gia tăng khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp đến. Đây là yếu tố cũng góp phần hỗ trợ giá đồng.
Giá một số loại hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá nông sản |