Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường khẩu trang sau đại dịch: Sức mua giảm nhưng đi vào ổn định

Hiện thị trường khẩu trang so với thời điểm “sốt hàng” trong đại dịch có vẻ trầm lắng hơn, nhưng vẫn là sản phẩm có đầu ra ổn định khi trở thành xu thế chung.

Bộ Công Thương: Góp phần ổn định thị trường khẩu trang

Trong tình hình mới sau đại dịch, nhu cầu sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng tại nước ta đã khác biệt vì dịch bệnh được kiểm soát dẫn đến thị trường khẩu trang có chiều hướng giảm so sánh với thời điểm trong dịch.

Tuy nhiên, tại các địa điểm công cộng, đại đa số người dân vẫn giữ thói quen mang khẩu trang trong trạng thái bình thường mới để phòng tránh dịch khi nước ta vẫn ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới trong thời gian qua, cùng với đó là để phòng tránh bụi bẩn, các vi khuẩn khác lây qua đường hô hấp, cho thấy khẩu trang vẫn là mặt hàng thiết yếu để bảo vệ sức khỏe mọi người.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và nhà phân phối cho biết, nếu như so sánh với thời điểm trong dịch, thị trường khẩu trang hiện nay đã giảm khá nhiều, chủ yếu do các lý do như tâm lý chủ quan của người dân nên việc đeo khẩu trang không còn nhiều như trước, đồng thời số lượng khẩu trang tồn kho tại các siêu thị, điểm bán vẫn còn nhiều nên giá khẩu trang cũng đã bắt đầu giữ ổn định trở lại.

Thị trường khẩu trang sau đại dịch: Sức mua giảm nhưng đi vào ổn định
Hiện thị trường khẩu trang so với thời điểm “sốt hàng” trong đại dịch có vẻ trầm lắng hơn, nhưng vẫn là sản phẩm có đầu ra ổn định khi trở thành xu thế chung

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty Cung ứng Hoàng Sang (doanh nghiệp phân phối khẩu trang y tế toàn quốc) cho biết, thị trường khẩu trang có vẻ trầm lắng hơn vì lượng cung ứng đang nhiều hơn nhu cầu do thời gian trước đây các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, sản xuất khẩu trang ồ ạt vì lợi nhuận trong dịch khá cao, không đòi hỏi đầu tư nhiều.

“Hiện nay đại lý, điểm bán khẩu trang đã rút gọn lại ở các nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hay siêu thị, không còn sự tham gia của nhà bán buôn, bán lẻ như tiệm tạp hóa hay cá nhân, tổ chức kinh doanh khẩu trang như thời điểm trong dịch nên thị trường tiêu thụ bị bó hẹp lại”, bà Thuận thông tin.

Qua tìm hiểu tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các đại diện nhà thuốc đều cho biết, hiện giá các loại sản phẩm khẩu trang y tế đã về mức ổn định, không biến động, đồng thời nhu cầu sử dụng vẫn có. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang dần chuyển sang lựa chọn các loại khẩu trang có thương hiệu hơn các loại khẩu trang giá rẻ trôi nổi trên thị trường.

Thị trường khẩu trang sau đại dịch: Sức mua giảm nhưng đi vào ổn định
Hiện giá khẩu trang y tế đã về mức ổn định

Bà Cái Thị Tám - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kim Sora (doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khẩu trang y tế xuất khẩu) nhận xét, thị trường khẩu trang trong nước dù đã giảm nhưng vẫn giữ sự ổn định cần thiết, lượng khẩu trang tiêu thụ tại các kênh phân phối của doanh nghiệp vẫn giữ ở mức cao.

“Tuy nhiên, thị trường khẩu trang xuất khẩu đang tiêu thụ chậm, theo báo cáo xuất khẩu của doanh nghiệp, lượng hàng khẩu trang xuất khẩu đã giảm 50% so với thời điểm trong dịch. Nếu như thời điểm trong dịch bệnh, doanh nghiệp mỗi tháng xuất khẩu 10 container thì giờ đây chỉ xuất khẩu 4-5 container một tháng”, bà Tám thông tin.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, cả nước có 6 doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng là 16,2 triệu chiếc, cao gấp 2,9 lần so với số lượng xuất khẩu ghi nhận trong tháng 7/2022.

Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2022 cả nước đã xuất khẩu 105,1 triệu chiếc khẩu trang y tế. Để so sánh, cả năm 2020 các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,37 tỷ khẩu trang y tế các loại và trong năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 453,15 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại.

Qua đó có thể thấy, thị trường xuất khẩu đang dần bị bó hẹp bởi nhu cầu sử dụng khẩu trang tại các nước trên thế giới đang dần hạn chế, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã bắt đầu bãi bỏ quy định về đeo khẩu trang nơi công cộng.

Thị trường khẩu trang sau đại dịch: Sức mua giảm nhưng đi vào ổn định
Hiện kim ngạch xuất khẩu khẩu trang y tế của Việt Nam giảm sâu so với năm 2020

Theo Giám đốc Công ty TNHH Kim Sora, thị trường khẩu trang tại các nước châu Á, như Nhật Bản vẫn đang tiêu thụ khẩu trang y tế ở mức cao nếu so sánh với các thị trường khác vì đã hình thành thói quen sử dụng khẩu trang từ thời điểm trước dịch, đồng thời hiện một số quốc gia vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới nên người dân vẫn mang tâm lý đề phòng, mang khẩu trang ở nơi công cộng.

“Thị trường khẩu trang xuất khẩu dù giảm sâu nhưng sau cùng vẫn giữ được sự ổn định. Tôi cho rằng, trong thời gian đến, thị trường khẩu trang trong nước và xuất khẩu sẽ không ghi nhận sự biến động đáng kể nào, nếu có sẽ là sự phục hồi nhẹ trở lại”, bà Tám nhận định.

Tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, với tỷ lệ tiêm chủng cao cùng tốc độ lây nhiễm virus giảm, việc đeo khẩu trang được coi là không bắt buộc nữa. Nhưng vẫn sẽ rất cần thiết, vì ngoài việc phòng chống dịch Covid-19 thì phòng chống các loại bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác. Thế nên thị trường khẩu trang vẫn tiếp tục ổn định trong thời gian đến.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật