Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao, ngược chiều xu hướng chung?

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có thời điểm “đi lùi” và báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhiều nhà băng cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng ngược chiều xu hướng, có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình toàn ngành.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị tiếp tục được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng 10 tháng mới đạt 1/2 chỉ tiêu

Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 1/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin, tính đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022. So với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, trong 2 tháng cuối năm, các ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng khoảng 7%.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng liên tục có các chính sách hỗ trợ “khơi thông” nguồn vốn như: ngay từ giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%; ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 4 lần giảm lãi suất điều hành…

-3835-1698833644.jpg

Tính đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022.

Về phía các ngân hàng thương mại, theo ghi nhận của VnBusiness, chưa khi nào số lượng gói tín dụng ưu đãi được quảng bá, giới thiệu nhiều như hiện tại. Điển hình, Sacombank cho biết vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5%/năm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cuối năm; HDBank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp mới vay, lãi suất từ 6,4%/năm; Vietbank đang triển khai nhiều combo sản phẩm dịch vụ với lãi suất ưu đãi từ 5,8%/năm.

Các ngân hàng khác cũng không đứng ngoài cuộc khi tung ra nhiều gói lãi suất lãi suất hấp dẫn như: Nam A Bank, BVBank… với lãi suất chỉ từ 5%.

Nhờ những chương trình ưu đãi hấp dẫn này giúp tăng trưởng tín của nhiều nhà băng khởi sắc.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của VPBank cho thấy, đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt 19%, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành là 6,92% tới cuối tháng 9. Đáng chú ý, tín dụng trong quý III của VPBank đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…, với khối chiến lược khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ.

Hay như Techcombank và HDBank đều có mức tăng trưởng tín dụng 13%, ACB tăng 8,7%..., cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình ngành (6,92%).

Trong những tháng cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB tiếp tục có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi nền kinh tế đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu.

Chung quan điểm với VnDirect, Bộ phận nghiên cứu của WiGroup cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong quý III, cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Trái lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao như ACB, VIB, OCB,... đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng cho thấy dấu hiệu phục hồi nhẹ từ mảng bán lẻ.

Nỗ lực cần đến từ nhiều phía

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt đã đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.

“Do đó, NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế”, ông Quang cho hay.

Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của ngành ngân hàng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác.

Giới phân tích cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14%, tín dụng sẽ phải tăng thêm 7% trong hai tháng cuối năm, điều này rất khó khả thi. Bởi theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới trong những tháng tới vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ song vẫn ở mức thấp và khó khăn vẫn còn "đeo bám" doanh nghiệp ở một số lĩnh vực. Điển hình như ngành dệt may, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng sụt giảm đơn hàng, công nhân phải giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất, thậm chí đóng cửa.

Điều này cũng được thể hiện trong các báo cáo được công bố gần đây, các tổ chức quốc tế uy tín đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam so với các dự báo được đưa ra trước đó. Chẳng hạn, OECD hạ dự báo 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023, trong khi ADB và IMF giảm dự báo tăng trưởng 0,7 và 1,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023, WB hạ dự báo tăng trưởng 1,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6/2023…

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng nếu phía cầu không có thì ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt khoảng 12-13%.

Huyền Anh


Tác giả: Tăng trưởng tín dụng 10 tháng mới đạt 1/2 chỉ tiêu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết