Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loay hoay tìm nơi đổ vật chất nạo vét

Khoảng 220 nghìn m3 vật chất nạo vét từ Dự án (DA) cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão (Phú Lộc) chưa biết đổ vào đâu, do điểm quy hoạch bãi thải người dân còn chưa đồng thuận. Việc chậm tìm ra nơi đổ thải đã ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét của DA.

Hạng mục đê chắn cát, giảm sóng thuộc dự án Tư Hiền đang triển khai thi công

DA cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng từ nguồn bồi thường Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được khởi công tháng 11/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Đến nay, khối lượng thi công đã đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng.

Hiện DA đang triển khai đổ đá, đóng cọc nhằm triển khai thi công 2 tuyến đê ngăn cát, giảm sóng phía bắc - nam mỗi bên dài khoảng 300m, với khối lượng thực hiện đạt từ 43-59%. Các cấu kiện đúc sẵn đã tập kết đầy đủ tại khu vực thi công tuyến đê phía nam.

Tại cảng cá Tư Hiền hiện hữu, hạng mục bến cập tàu và hạ tầng nhà cá cũng đang được xây mới và tiến hành sửa chữa nâng cấp. Các hạng mục nhà phân loại cá, hệ thống xử lý nước thải, khu tập kết rác thải, hệ thống cung cấp nước ngọt… đều đang triển khai thi công đạt từ 10-80% khối lượng.

Đặc biệt, tại khu vực được quy hoạch bãi thải trên bờ (thuộc hệ thống đầm Hải Phú) nhằm đổ vật chất nạo vét được hút lên từ luồng tàu ra vào và 2 tuyến đê ngăn cát giảm sóng, đến nay vẫn chưa thực hiện được do người dân chưa có sự đồng thuận. Khu vực này vẫn là một lạch nước tự nhiên, đơn vị thi công chưa triển khai các hạng mục nhằm thi công bãi thải.

Ông Lê Văn Mẫn, cán bộ kỹ thuật phụ trách DA Tư Hiền cho biết, bãi thải vật chất nạo vét có diện tích 8ha, chủ đầu tư đã tiến hành hoàn thành việc hỗ trợ đền bù cho 7 hộ dân nuôi trồng sát khu vực đầm Hải Phú. Riêng 49 hộ dân không sinh sống ở khu vực này cho rằng, đây là khu vực đánh bắt thủy hải sản truyền thống của ngư dân địa phương. Việc đổ thải sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và môi trường xung quanh nên điểm đổ thải đến nay vẫn chưa triển khai thi công các hạng mục được.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Mẫn cho rằng, hệ thống đầm Hải Phú dài nhiều km từ Vinh Hiền đến Lộc Bình, đơn vị thi công chỉ đổ thải tuyến đầu nằm gần khu vực đê chắn sóng. Theo thiết kế, trước khi đổ thải sẽ xây dựng tuyến đê ngăn vật chất nạo vét chảy tràn, đê và các hồ lắng lọc “bậc thang” nhằm đưa nước, cát sau khi lắng lọc trở lại biển nên sẽ đảm bảo môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến vùng đánh bắt của ngư dân.

Đến nay, tiến độ của hạng mục nạo vét vật chất từ biển đạt khoảng 20% trên tổng khối lượng 220 nghìn m3. Để triển khai thi công DA đảm bảo tiến độ, đơn vị thi công phải đưa một ít khối lượng nạo vét lên bờ ở bãi tập kết tạm sát khu vực tiếp nhận của DA với chiều dài nạo vét khoảng 750m đoạn từ cửa biển vào.

“Với việc không thể đổ thải khi nạo vét lên bờ, tiến độ DA sẽ bị ảnh hưởng, bởi hạng mục chính nạo vét nhằm khơi thông luồng lạch là “đường đi” của tàu thuyền ra vào cảng khi dự án hoàn thành. Trong thời gian tới, khối lượng sẽ rất lớn nhưng chưa biết đổ vào đâu là một vướng mắc cần sớm giải quyết”, ông Lê Văn Mẫn cho biết.

Theo Sở NN&PTNT, để thi công đáp ứng tiến độ DA và đảm bảo quyền lợi người dân, đơn vị này đã tiến hành cuộc họp với UBND huyện Phú Lộc để tháo gỡ vướng mắc liên quan bãi tiếp nhận vật chất nạo vét thuộc DA Tư Hiền.

Theo ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT thông tin, bãi tiếp nhận vật chất nạo vét đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 8811/UBND-XD ngày 24/9/2021. Tuy nhiên, khi triển khai thi công người dân ngăn không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc. Người dân cho rằng, đây là nơi sinh sản của các loài cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực.

Để xử lý những khó khăn, vướng mắc, Ban Quản lý DA và các nhà thầu đã làm việc với UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Bình, Vinh Hiền để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất.

Để có cơ sở xem xét hỗ trợ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý DA làm việc với đơn vị tư vấn là Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường để đo vẽ thực địa phạm vi mặt bằng bị ảnh hưởng, hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ địa chính.

Ông Phúc cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải khảo sát, đánh giá lại, tiến hành điều chỉnh DA phù hợp. Trong đó, phải tính toán khả năng thoát lũ, đánh giá sự xói lở, bồi lấp khi DA xây dựng, phương án và phạm vi xây dựng tuyến kè.

Trước đó, người dân cũng như chính quyền địa phương xã Lộc Bình yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết trong quá trình triển khai thi công nếu có tác động môi trường thì phải chịu trách nhiệm bồi thường hỗ trợ. UBND xã Lộc Bình kiến nghị chủ đầu tư quan trắc đánh giá chất lượng nước của phần lạch còn lại trong quá trình thi công triển khai hạng mục nạo vét để dự báo mức tác động đến môi trường. Yêu cầu phần nước thải sau khi xử lý xả thải ra biển không được đổ vào phần lạch nước còn lại. Có phương án hỗ trợ các hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khu vực còn lại của lạch nước do phần diện tích bị thu hẹp ảnh hưởng phần nào đến sinh kế của người dân.

Bài, ảnh: Hà Nguyên


Tags: Dự án
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật