Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch gắn với môi trường sinh thái ở khu vực HTX

Những năm qua, ở khu vực KTTT, sự ra đời của các HTX du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Việc tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong hoạt động của các HTX, doanh nghiệp đang là nhân tố ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, hiện nay, phát triển các mô hình nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị do các HTX, Tổ hợp tác xây dựng và phát triển nhằm bảo đảm theo hướng bền vững, có liên kết chặt chẽ, hài hòa.

Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng

Như ở tỉnh Ninh Bình, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ông Trịnh Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp cho biết: Hiện nay, các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn ngoài chăn nuôi cây, con đặc sản, kinh doanh nhà hàng, siêu thị, còn xây dựng khu nông trại, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi, chim… và khu nhà lưới trồng rau sạch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

img-20190717093826-9938-1650359079.jpg

Du lịch gắn với bảo vệ môi trường góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Bên cạnh đó, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp còn liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có, phục vụ đa dạng nhu cầu khách tham quan như: Tham quan hang động do các HTX trong chuỗi quản lý (HTX du lịch Quèn Thờ), tham quan vườn bưởi (HTX bưởi da xanh Tam Điệp), tham quan và thưởng thức chè (HTX hoa, cây cảnh, nông sản an toàn Tam Điệp), HTX trồng đào Đông Sơn với các khu trải nghiệm vườn đào phai đẹp mắt. Nhờ đó mà thời gian qua, sản phẩm du lịch cộng đồng Quèn Thờ của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp đã được xếp hạng 4 sao (gồm 4 hoạt động: lữ hành, lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm).

Hiện, HTX đã vận động bà con trong xã thực hiện nhiều mô hình hữu ích bảo vệ môi trường như mô hình “Nông dân Ninh Bình hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần”, mô hình “Dịch vụ Du lịch thân thiện môi trường” hay như mô hình sử dụng “Thùng rác thân thiện với môi trường”.

Ở tỉnh Kiên Giang có mô hình nuôi cá lồng bè gắn dịch vụ du lịch với mô hình kết hợp giữa nuôi trồng thủy hải sản và du lịch sinh thái, HTX Tiến Đạt ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang đang chung tay cùng chính quyền giúp người dân nơi đây giảm nghèo, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường bền vững.

Theo Ban giám đốc HTX Tiến Đạt, để nghề nuôi cá lồng phát triển hiệu quả, bền vững gắn với ổn định đầu ra và phục vụ phát triển du lịch, HTX Tiến Đạt đã phối hợp với các ngành chức năng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.

Đồng thời, Ban giám đốc HTX đề ra một số giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững như: Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống và kiểm dịch cá giống nhập vào, nâng cao chất lượng nguồn thức ăn cho cá nhằm hạn chế chất thải ra môi trường nuôi và môi trường xung quanh.

Các lồng cá được sắp xếp thành từng khu cụm riêng, tạo cảnh quan thông thoáng, giúp tàu bè du lịch có thể neo đậu dễ dàng, đồng thời bảo đảm dòng chảy, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thay vì hướng tới mục tiêu tạo ra sản lượng cá tối đa, mô hình nuôi trồng thủy sản của HTX Tiến Đạt còn hướng tới phát triển thành sản phẩm du lịch để phục vụ khách đến tham quan. Chính vì vậy, thành viên phải tuân thủ quy trình nuôi theo hướng thân thiện môi trường từ việc xử lý cá giống trước khi thả, thức ăn cho cá, chăm sóc và quản lý, phòng và trị bệnh cho cá, xử lý rác thải do quá trình sản xuất… Nhờ đó, các lồng cá đều phát triển tốt, quá trình sản xuất không tác động xấu đến môi trường thiên nhiên.

Cần sự bền bỉ

Thực ra, trong khu vực KTTT, các HTX nói chung và HTX trong lĩnh vực nói riêng thực hiện nghiêm túc các hoạt động bảo vệ môi trường như hai HTX trên không phải là hiếm. Bởi lẽ, việc làm này không những vì lợi ích chung mà vì chính sự tồn tại và phát triển bền vững của các HTX này.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, khi có các HTX, Tổ hợp tác vào cuộc xây dựng các mô hình tham quan du lịch nông nghiệp, việc khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn sẽ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng tiêu biểu của nhân dân các dân tộc, từ đó tập trung nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng các điểm du lịch thành điểm đến an toàn và thân thiện cho du khách cũng sẽ thuận lợi hơn nhờ có HTX, Tổ hợp tác.

chien-luoc-phat-trien-du-lich-5401-8576-

Môi trường xanh - sạch - đẹp là nhân tố ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển ngành du lịch.

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Thời gian tới ngành du lịch sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở lưu trú du lịch, du khách tham quan, khu vực tổ chức lễ hội, đầu tư, nâng cấp các nhà vệ sinh đạt chuẩn, bổ sung hệ thống thùng rác và biển chỉ dẫn bảo vệ môi trường nơi công cộng, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị hoạt động du lịch và người dân”, ông Khánh cho biết.

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, du lịch vốn được ví là “ngành công nghiệp không khói” và thực tế việc đầu tư, mở rộng phát triển du lịch đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, đem đến việc làm và thu nhập, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng sinh ra nhiều vấn đề “nóng” khác nhau, trong đó có vấn đề môi trường.

Do đó, trước hết, trong quy hoạch phát triển, cần xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển loại hình du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, như: Du lịch sinh thái; Du lịch gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách... Bên cạnh đó, các địa phương và ngành du lịch cũng cần xây dựng cơ chế để thành lập và phát huy hiệu quả các quỹ môi trường trong hoạt động du lịch.

Tổ chức, đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, các cấp, ngành liên quan tổ chức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nói rằng, ngành du lịch sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở lưu trú du lịch, du khách tham quan, khu vực tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó sẽ đầu tư, nâng cấp các nhà vệ sinh đạt chuẩn, bổ sung hệ thống thùng rác và biển chỉ dẫn bảo vệ môi trường nơi công cộng. Đồng thời, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị hoạt động du lịch và người dân.

Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch. Do vậy, trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã khẳng định quan điểm, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Trong đó, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương vào cải thiện môi trường du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch.

Hoàng Hằng


Tác giả: Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết