Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, khu vực miền Trung - Tây Nguyên chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc suy giảm nguồn nước ngọt và chất lượng nguồn phù sa. Dự báo, các hiện tượng này ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và đời sống người dân, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của vùng.

Sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng đến cải thiện sự hòa hợp giữa phát triển nông nghiệp và ứng phó với BĐKH đang được nhiều HTX triển khai ứng dụng. Từ đó, đòi hỏi phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoạt động sinh kế của từng địa phương.

Nhân rộng mô hình

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, nông nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất một số cây trồng như lúa, ngô, cà phê, cao su, điều và tiêu luôn cao hơn so với các tỉnh ngoài khu vực. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.

TNB-10405-4103-1652153753.jpg

Sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH đang được các HTX ứng dụng hiệu quả.

Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở khu vực này.

Bên cạnh đó, còn những ứng dụng khác có thể kể tới như: áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh, phát triển hệ thống nông lâm kết hợp, áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp nông dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng thích ứng với BĐKH.

“Trên thực tế, mô hình nông nghiệp thông minh được thực hiện khá thành công ở các vùng sản xuất nông nghiệp của miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm trên địa bàn các tỉnh trong vùng hiện nay đang được nhân rộng, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đã và đang được các HTX ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Tiến cho biết.

Tại tỉnh Gia Lai, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa thời gian q​ua đã xây dựng thành công sản phẩm hồ tiêu hữu cơ và được Tổ chức quốc tế Union công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Đak Yang nhờ vào việc canh tác hữu cơ, chế biến theo phương pháp Honey mật ong và Natural.

Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, để có sản phẩm chất lượng, HTX áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp như: Dùng phần mềm để quản lý xác định từng vườn, địa điểm sản xuất, ngày bón phân, định lượng bón, thu hoạch... Đồng thời, HTX sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập website và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường.

“Việc ứng dụng công nghệ số giúp người canh tác chuẩn mực hơn, thực hiện quy trình sản xuất đầy đủ để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất”, ông Công nói.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH, các thành viên trong HTX Bình Đào, huyện Thăng Bình đã chọn giống đậu phụng có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng tốt mà tỷ lệ đậu quả cao.

Khi canh tác cây đậu phụng, người dân được hướng dẫn sử dụng bón phân chuồng tăng cường với men vi sinh để hạn chế bệnh thối rễ.

Bên cạnh đó, mô hình cũng hạn chế được lượng nước tưới khi áp dụng tưới thông minh theo từng đợt đảm bảo đủ nước theo chu kỳ sinh trưởng của cây. Thành viên HTX tham gia mô hình này sẽ nắm được kỹ thuật làm đất trước khi gieo hạt nên hạn chế được sâu bệnh phá hoại.

Linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp thông minh

Hiện nay, BĐKH đang tác động lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân. Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết cực đoan mang lại, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được các HTX tại tỉnh Quảng Bình hướng đến.

Xã Hưng Trạch, huyện Quảng Trạch với đặc thù là đất cát, nghèo chất dinh dưỡng cũng rất khó để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là với những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Với chất đất này, trước đây, người dân chỉ gắn bó với cây sắn, củ khoai và hoa màu.

nn-thong-minh-phu-tho-20211221-3906-6377

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích, làm tăng sản lượng nông sản, tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao.

Năm 2019, với mong muốn thay đổi lối canh tác truyền thống, tạo ra hướng đi sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, anh Võ Trung Tuấn đã đứng ra thành lập HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan.

Anh Tuấn đã đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng và hệ thống tưới nước phun sương. Loại cây trồng chủ lực là dưa lưới và rau củ, quả các loại.

“Với mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, chúng tôi giảm được những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết và côn trùng. Nhờ được trồng trong môi trường nhà màng nên dưa lưới và rau, củ phát triển tốt hơn, năng suất mang lại cũng cao hơn so với lối canh tác truyền thống”, anh Tuấn chia sẻ.

Nhờ sự linh hoạt thay đổi hướng sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu nên một số HTX tại Quảng Bình đã đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. 

HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch là một ví dụ. Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Cương cho biết, do vùng này là đất cát nghèo chất dinh dưỡng nên anh đã nghiên cứu và đưa ra quyết định trồng cây ăn quả công nghệ cao vào sản xuất.

HTX đã đưa cây ổi và giống cây na Thái Lan, Đài Loan, vú sữa vào trồng xen canh. Đặc biệt, để ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, HTX đã đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nước phun sương. Vì vậy, về mùa hè, số diện tích cây ăn quả này vẫn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm đất cát dễ bị xói mòn, rửa trôi nên HTX giữ một lớp cỏ trên bề mặt đất. Chính vì vậy, về mùa mưa, đất vẫn giữ được chất dinh dưỡng tốt cho cây.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội nông nghiệp số Việt Nam, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích, làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương, hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là một chủ trương hoàn toán đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp của đất nước, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Đoàn Huyền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết