Thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm
Ngày 25/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022.
Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Thời tiết dị thường, triều cường giữa mùa khô gây tràn, vỡ đê ở Quảng Điền
Xuất hiện bão mạnh trái quy luật
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2021 mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 16.000 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 340 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Công tác PCTT đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021 (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng), thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.
Hội nghị đã nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thiên tai, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới một cách cụ thể, sát thực và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường sống, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Nâng cấp hạ tầng ứng phó mưa bão
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo tình hình thiên tai năm 2022 khả năng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến khoảng tháng 7/2022 với xác suất trên 65%, sau đó chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINOno3.4 tăng dần và chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng cuối nửa cuối năm 2022 với xác suất 41-47%.
Trong đó, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6 khả năng có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông nhưng chưa ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế. Từ tháng 5 và 6 tại Thừa Thiên Huế không còn ảnh hưởng của không khí lạnh. Từ cuối tháng 4/2022, có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng không kéo dài và cường độ cũng không mạnh. Tháng 5 và 6, nắng nóng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, trung bình mỗi tháng có 2-3 đợt và cường độ cũng mạnh dần, cần đề phòng các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục nhiều ngày trong thời kỳ này.
Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở biển qua huyện Phú Vang
Để tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục thiệt hại của bão lũ, phục hồi sinh kế, sản xuất, UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đề xuất Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh để khắc phục các công trình hạ tầng, dân sinh, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nước sạch nông thôn, sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng kinh phí 735 tỷ đồng.
Trong đó, đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp kinh phí năm 2021 khoảng 300 tỷ đồng để xử lý 5,3 km kè chống sạt lở bờ biển qua xã Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang) dài khoảng 4km; xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải - Vinh Hiền (Phú Lộc) dài khoảng 1,3 km.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT nghiên cứu ban hành quy định liên quan đến định mức kinh tế - kỹ thuật, bố trí kinh phí đối với công tác khảo sát, lập phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cũng như rà soát các phương án đã xây dựng theo hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai. Xây dựng chương trình nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tại văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là đầu tư trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Tiếp tục hỗ trợ phương tiện, vật tư cho các lực lượng quân đội, công an, các đơn vị và địa phương nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra. Trang cấp xe ô tô, điện thoại vệ tinh cho đơn vị phục vụ công tác PCTT&TKCN. Bổ sung kinh phí, trang cấp thêm thiết bị, phương tiện và nhiên liệu cho các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ để đảm bảo làm tốt công tác này nhất là đối với cơ sở. Nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù, quy định về chế độ bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia hoạt động ứng phó với sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và lực lượng làm nhiệm vụ thường trực PCTT & TKCN.
Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT ưu tiên hỗ trợ xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh, cấp huyện thuộc Thừa Thiên Huế. Hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du hệ thống các hồ chứa nước lưu vực sông Hương; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất mức độ chi tiết đến cấp huyện, xã. Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá quy hoạch thoát lũ, xây dựng hành lang thoát lũ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, qua đó đề xuất các chương trình, dự án nạo vét bảo vệ bờ, khơi thông dòng chảy tăng cường khả năng thoát lũ trên các lưu vực sông. Nghiên cứu toàn diện nguyên nhân và giải pháp chống sạt lở bờ biển tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng. |
Tin, ảnh: Hà Nguyên