Thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương: Tháo gỡ vướng mắc, xóa bỏ bất cập
Hiện nay, chính sách pháp luật về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bộc lộ những vướng mắc, bất hợp lý, đặc biệt trong công tác quản lý chất thải rắn, đánh giá tác động...
Đó là thực tiễn được chỉ rõ tại Hội nghị “Tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương khu vực miền Bắc” do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, nhằm giúp các doanh nghiệp trong ngành Công Thương kịp thời cập nhật những quy định pháp luật mới về bảo vệ môi trường.
Quản lý chất thải rắn cần sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp |
Theo ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt trong công tác thực thi pháp luật về đánh giá tác động, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn đặc thù... Do đó, việc cập nhật và phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Ngọc Quỳnh - Phó trưởng Ban Khoa học, công nghệ & Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, vướng mắc chính trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay là chưa có quy định, chính sách đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (tro, xỉ nhiệt điện, chất thải rắn thông thường...); chưa có cơ chế cho phép/bắt buộc các doanh nghiệp trích lập nguồn kinh phí để chủ động chi cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, “nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung; cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro, xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (không có Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường). Vì vậy, việc chuyển giao tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện cho các đơn vị tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn” - bà Lê Thị Ngọc Quỳnh chỉ rõ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến bày tỏ việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa thực sự rõ ràng, còn chồng chéo. Cụ thể, đoàn kiểm tra về hoạt động khoáng sản đồng thời cũng kiểm tra về bảo vệ môi trường; từ cấp tỉnh/thành phố đến quận/huyện, phường/xã đều có thể kiểm tra việc bảo vệ môi trường; phân quyền quản lý công tác bảo vệ môi trường giữa các bộ/ngành chưa rõ ràng. Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ) đối với các vi phạm về hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường còn quá nặng, không đảm bảo cho việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên thực tế.
Trước thực trạng trên, theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, để khắc phục những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường, cần luật hóa các yếu tố, các tác động môi trường; chất ô nhiễm, nguồn ô nhiễm, kiểm soát nguồn ô nhiễm; các nội dung về chất thải rắn...
Về khung chính sách môi trường, các nội dung cần sửa đổi, bổ sung gồm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, phân vùng môi trường, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn…
Bộ Công Thương sẽ đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn hơn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời gian tới. |
Việt Anh