Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng phó cháy rừng mùa nắng nóng

Nắng nóng bắt đầu gay gắt đặt ra nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với lực lượng kiểm lâm, các địa phương trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Tuần tra rừng

Dạo quanh những cánh rừng thông đặc dụng, keo tràm trên địa bàn TP. Huế dễ nhận thấy nhiều cành, lá đang ngả sang màu vàng. Dưới những tán rừng phủ một lớp lá thông, lá keo tràm khô khá dày đặc. Chỉ một ngọn lửa nhỏ bén vào có thể gây cháy rừng bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Hiếu ở phường An Tây (TP. Huế) lo ngại, một số người dân ý thức chưa cao khi đốt nhang, vàng mã tại nghĩa trang, lăng mộ cạnh rừng. Những ngọn lửa, nhang vẫn chưa cháy hết, người dân đã bỏ ra về khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Ông Hiếu nhiều lần phát hiện, bắt gặp phải ngồi canh, chờ lửa nhang, vàng mã cháy hết mới rời khỏi khu vực lăng mộ.

Khá nhiều lần bắt gặp người dân đốt nhang, vàng mã ở khu vực lăng mộ, ông Hiếu đến gặp và nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao nhận thức chung trong bảo vệ rừng (BVR) thông cảnh quan mùa nắng nóng. Ông cũng là người thường xuyên tuyên truyền, góp ý với người dân trong khu dân cư nâng cao ý thức BVR, không vứt bỏ tàn thuốc, không đốt lửa, nấu ăn cạnh rừng...

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế, ông Lê Nhân Đức, qua nhiều vụ cháy rừng, ý thức PCCCR của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa thật sự ý thức BVR, PCCCR khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó, lo ngại nhất là tình trạng đốt nhang, vàng mã, vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi, nhóm lửa cạnh rừng… Khi xảy ra cháy, nhiều người dân chỉ đến nhìn các lực lượng làm nhiệm vụ, không tham gia chữa cháy.

Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, cán bộ kiểm lâm TP. Huế phối hợp với các địa phương túc trực 24/24 giờ, kết hợp tuần tra, giám sát tại các khu vực rừng thông, keo tràm có nguy cơ dễ cháy, các khu nghĩa trang, lăng mộ. Quá trình tuần tra, cán bộ kiểm lâm kết hợp tuyên truyền đến với các khu dân cư, hộ dân về các biện pháp PCCCR thông qua loa truyền thanh cầm tay. Cán bộ kiểm lâm phát hiện và dập tắt kịp thời một số đám cháy nhỏ tại khu vực lăng mộ, nghi do đốt nhang, vàng mã.

Năm 2021, ngành kiểm lâm đầu tư cho HKL TP. Huế xây dựng các bể chứa nước và trang thiết bị dẫn nước đặt tại điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng để kịp thời phục vụ PCCCR. Đầu mùa nắng nóng, nước được lực lượng kiểm lâm vận chuyển, đổ đầy các bể chứa đặt tại các khu vực núi Tam Thai, núi Ngự Bình, Động Tranh, Động Bồng, Khe Kẹm, núi Thiên Thai…

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông nhận định, hầu hết những đồi keo tràm trên địa bàn huyện đều có nguy cơ cháy rất cao. Ngành kiểm lâm huyện phối hợp với các địa phương, chủ rừng đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó cháy rừng. Người dân ra quân thu dọn, vệ sinh cành lá khô dưới tán rừng keo nhằm hạn chế nguy cơ cháy. Cán bộ kiểm lâm, các chủ rừng triển khai làm các đường ranh cản lửa, hạn chế nguy cơ cháy lây lan diện rộng. HKL cũng đã triển khai tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng, nhận thức của cán bộ kiểm lâm bảo vệ an toàn tính mạng trong quá trình PCCCR.

Ông Trương Xàng, Hạt trưởng HKL huyện Quảng Điền cho rằng, không thể chủ quan, mất cảnh giác đối với rừng keo tràm trên cát trên địa bàn huyện. Một số năm trước đã từng xảy ra cháy rừng trên vùng rú cát, nguyên nhân do người dân chủ quan khi đốt lửa, nấu ăn cạnh rừng dẫn đến lửa lây lan sang rừng thông qua lớp lá tràm khô. Các lực lượng rất vất vả, gặp nhiều khó khăn trong ứng phó, ngăn chặn cháy rừng.

Nhiều ngày qua, lực lượng kiểm lâm đến tận các hộ dân, khu rừng tràm trên vùng rú cát Quảng Lợi, Quảng Thái… để kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức quản lý, BVR, PCCCR trong mùa nắng nóng. Theo ông Xàng, tại các khu vực trang trại trên rú cát diễn ra các sinh hoạt thường ngày như đốt lửa nấu ăn, vứt bỏ tàn thuốc… khiến nguy cơ cháy rừng. Vì vậy, yêu cầu người dân nâng cao nhận thức, không đốt lửa, vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi trên các khu rừng tràm.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, từ đầu mùa nắng nóng đến nay, các đơn vị chủ rừng tiến hành rà soát công tác phòng cháy tại các khu vực trọng điểm; kiểm tra nguồn lực và các giải pháp phòng cháy, yêu cầu các đơn vị chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR trong suốt mùa nắng nóng. Các lực lượng tăng cường canh trực, cảnh báo sớm các vụ cháy, dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn, trên diện rộng. Đơn vị chủ rừng chủ động quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Các chủ rừng cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đang phối hợp xây dựng và thực hiện phương án PCCCR theo khu vực, phù hợp với quy mô diện tích và địa hình, vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa phát huy hiệu quả trong công tác PCCCR...

Bài, ảnh: Hoàng Triều


Tags: Ứng phó
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật