Xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần sự đồng hành của HTX
Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Việc quản lý và xử lý rác thải đang là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương, vì vậy sự tham gia của các HTX vào công tác này đang góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT sốn
Các HTX dịch vụ môi trường xử lý CTRSH tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đến việc vận chuyển và xử lý, trong đó một số HTX thực hiện một công đoạn như thu gom rác thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển rác thải. Đối tượng phục vụ chủ yếu của các HTX là các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức đóng trên cùng địa bàn.
HTX góp phần xử lý CTRSH
Hiện nay, hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được phát triển rộng rãi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, phần lớn phương tiện thu gom CTRSH không đạt quy chuẩn kỹ thuật và không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các điểm tập kết CTRSH (điểm hẹn, trạm trung chuyển) chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, gây mất vệ sinh.
Việc phân loại CTRSH ngay tại nguồn là khâu quan trọng góp phần kiểm soát môi trường. |
Tại nhiều khu vực, hệ thống vận chuyển chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển CTRSH hàng ngày, gây tình trạng tồn đọng CTRSH trong khu dân cư. Nhìn chung, tất cả các giai đoạn quản lý CTRSH từ khâu thu gom, vận chuyển đến khâu xử lý (chôn lấp, đốt) đều gây ô nhiễm môi trường.
Đầu năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Trong đó, việc quản lý CTRSH thông qua hoạt động rác thải là một trong những điểm mới được Luật quy định.
Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững.
Để người dân nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường, việc phân loại CTRSH tại nguồn, từ hộ gia đình đã có sự vào cuộc, đóng góp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương.
Ông Hà Trọng Tấn, Chủ tịch HĐQT HTX môi trường thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện Đề án phân loại rác tại nguồn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với chức năng là đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác, HTX đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại hộ gia đình theo hướng, mỗi hộ dân sẽ được phát 2 thùng đựng rác, gồm chất thải dễ phân hủy và chất thải khó phân hủy.
Khi rác được tập kết, HTX sẽ sử dụng phương tiện để thu gom và vận chuyển đưa vào Nhà máy xử lý chất thải rắn, giảm thiểu lượng rác cho đơn vị xử lý.
Hiện nay, HTX đã thực hiện thu gom rác tại các tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn, quét dọn, vệ sinh vỉa hè, mặt đường đối với các tuyến phố, với trên 60 tấn rác mỗi ngày.
Rác thải chưa được phân loại tại nguồn thường lẫn nhiều tạp chất như gạch đá, thủy tinh, vải, bóng đèn điện, bơm kim tiêm… Vì vậy, công nhân, thành viên HTX phải phân loại chất thải hữu cơ và chất thải rắn bằng tay trực tiếp trên băng tải để tăng hiệu quả sản xuất phân vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường. "Chương trình đã đem lại nhiều hiệu quả như giảm lượng rác thải (giảm 50% rác thải) trước khi đưa ra lò đốt rác giảm ô nhiễm môi trường. Việc triển khai Đề án sẽ nâng cao nhận thức người dân về phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng nếp sống đô thị văn minh.”, ông Hà Trọng Tấn chia sẻ.
Biến rác thải thành năng lượng xanh
Ông Nguyễn Hòa Bình, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện Môi trường, Tổng cục Môi trường đánh giá, muốn biến CTRSH thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường và gia tăng nguồn đầu vào cho tái chế, thì việc quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.
Với khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng tăng, một số địa phương đã triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.
Biến rác thải thành nguồn năng lượng xanh đang là xu thế mà nhiều HTX hướng tới. |
Mục đích của phân loại chất thải tại nguồn là tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến compost có chất lượng cao.
Bên cạnh đó phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng CTRSH được chôn lấp tại các bãi chôn lấp khi khối lượng CTRSH ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế. Việc phân loại CTRSH tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý CTRSH.
Với mục đích giảm việc chôn lấp rác thải không phân hủy HTX Dịch vụ Vận tải và Môi trường Thanh Bình, TP. Tuyên Quang đã quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải. Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Chủ tịch HĐQT HTX bày tỏ, thực tế hiện nay HTX đã phân loại, tái chế được rác thải nhựa là các chai nhựa, hộp nhựa, còn đối với túi nilon thì HTX mới chỉ tái chế được 1 phần. Ông Hoạch khẳng định, từ tháng 6-2021 đến nay, chỉ riêng đối với rác thải nhựa là các loại chai lọ, hộp nhựa HTX phân loại, thu gom và xử lý 8 tấn/ngày, một con số kỷ lục chưa từng có ở những năm về trước. Lượng rác thải nhựa này đã vượt công suất chế biến, HTX đã phải đầu tư thêm 2 dây chuyền nữa mới có thể tái chế lại lượng rác gia tăng như hiện nay.
Việc phân loại và thu gom triệt để các loại rác thải có thể tái chế không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn giúp giảm đến 1/3 diện tích chôn lấp rác thải rắn không phân hủy, hạn chế rất nhiều khói bụi và ô nhiễm so với đem đốt hoặc chôn lấp, giảm tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường…
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, chế tạo các chất phụ gia phối trộn vào nguyên liệu dùng để sản xuất các loại túi nhựa nhằm giảm thời gian phân hủy của rác thải nhựa. Đây là phương pháp mang tính bền vững, rút ngắn thời gian phân hủy rác thải nhựa từ hàng trăm năm xuống còn vài chục tháng.
“Để biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý”, ông Bình cho biết.
Hoàng Hằng