|
  • :
  • :

“Nâng tầm” dưa lưới

Trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt được xem là hướng đi đột phá của ngành chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt được xem là hướng đi đột phá của ngành chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh. Đây được kỳ vọng là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Dự án “Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan cho nền nông nghiệp.

Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng chú trọng nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được người nông dân quan tâm hưởng ứng. Theo đó, vào tháng 3-2022, Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (Ban) đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” với quy mô sản xuất thử nghiệm 1.500m2 bao gồm tại Ban 500m2 và HTX dưa lưới Ngọc Thành 1000m2, dự án bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực và góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.

Anh Trần Kỷ Nguyên, Chủ nhiệm dự án, chia sẻ: Trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Trong đó, nhà màng giúp che chắn mưa, hạn chế côn trùng xâm nhập, hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ cung cấp nước một cách tiết kiệm cho cây mà cùng với công nghệ tưới nước và phân bón qua đường ống nhỏ giọt cung cấp đồng đều và chính xác lượng phân bón cho cây trồng.

Theo nhiều nghiên cứu, công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với phân bón trong canh tác giúp tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20-50%, đặc biệt là tiết kiệm nước tưới so với phương pháp truyền thống từ 20-40%. Trong quá trình canh tác dưa lưới, người trồng ít sử dụng hoặc thay thế thuốc hóa học thành thuốc sinh học và đạt chuẩn VietGAP nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Qua thời gian sản xuất thử nghiệm, dự án bước đầu đạt được mục tiêu đã đặt ra là năng suất thương phẩm tăng từ 10% (khoảng 0,2 tấn/1.000m2), sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận VietGAP, độ Brix trung bình đạt từ 13% trở lên, dưa phát triển đồng đều, khoảng 80% trái có khối lượng trung bình đạt từ 1,5kg; giá bán dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg. Hiện nay, dự án đang được chuyển giao công nghệ sản xuất cho Hợp tác xã dưa lưới Ngọc Thành, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành. 

Nhiều hướng đi mới

Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, việc tạo ra nhiều hướng đi mới, chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới là những gì mà các kỹ sư tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đang tìm tòi, nghiên cứu. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dưa lưới tươi, dự án đã phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến từ dưa lưới như rượu vang dưa lưới và dưa lưới sấy dẻo.

Anh Trần Kỷ Nguyên, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dưa lưới là loại trái cây có hương thơm, giòn, vị ngọt thanh mát, nếu chỉ dừng lại ở việc thưởng thức trái tươi thì chưa tận dụng hết tiềm năng của dưa lưới. Do đó, chúng tôi đã tiếp nhận và hoàn thiện quy trình chế biến dưa lưới sấy dẻo, thời điểm này đã tìm ra được nhiệt độ sấy và thời gian sấy phù hợp cho dưa lưới sau thu hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận và hoàn thiện được quy trình chế biến rượu vang dưa lưới bằng việc tìm ra được loại men thích hợp cho lên men rượu, nhiệt độ ủ và hàm lượng đường bổ sung phù hợp”.

Đánh giá về đặc điểm ưu việt của những sản phẩm mới, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Sản phẩm dưa lưới sấy dẻo vừa giữ được độ ngọt vừa phải, vẫn giữ được màu sắc và hương vị riêng biệt. Còn với sản phẩm rượu vang dưa lưới, hiện nay trên thị trường chưa có sản phẩm tương tự nên nếu thử nghiệm thành công sẽ mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn. Qua quá trình thực hiện dự án, Ban chủ nhiệm đã có những dự định nghiên cứu thêm về quy trình sản xuất bột dưa lưới hòa tan, chiết xuất hương liệu dưa lưới nguyên chất từ dưa lưới tươi và làm kẹo dưa lưới.

Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đây được xem là hướng phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp bà con nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Y.LINH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nang-tam-dua-luoi-134968.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin