|
  • :
  • :

'Vàng trắng' lên giá - doanh nghiệp sản xuất cao su hưởng lợi

Theo đại diện Công ty chứng khoán ACB, việc mặt hàng cao su tăng 13,9% về khối lượng và 46,5% về giá trị so với 10 tháng năm 2020 đã tác động mạnh mẽ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cao su.

Các doanh nghiệp trồng và khai thác mủ cao su hân hoan báo lãi nhờ giá “vàng trắng” tăng vọt từ đầu năm 2021. Thực tế, ngành cao su thiên nhiên đã nổi lên như là một điểm sáng rất đáng chú ý trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế.

Thu hoạch mủ cao su

Thu hoạch mủ cao su

Nhu cầu cao đẩy giá tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2021, mặt hàng cao su đã tăng 13,9% về khối lượng và 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng nhiều mặt hàng cao su đạt 1.680 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) nhận định năm 2021, tổng nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu ước tăng 9,3% so với năm 2020, lên 14.100 triệu tấn. Trong khi đó, về phía nguồn cung ước tính tăng trưởng chỉ 2%, đạt 13.860 triệu tấn.

Theo quan điểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), nhu cầu cao su tăng là do kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng ở các nước. Kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ kích thích hoạt động giao thông vận tải ở cả khía cạnh dân dụng và công nghiệp, tạo ra nhu cầu tăng cao đối với lốp xe, một yếu tố chính của nhu cầu cao su.

Giá cao su tăng cao đã tác động mạnh mẽ tới lợi nhuận ngành cao su từ đầu năm 2021 đến nay. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt doanh thu thuần 16.694 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.815 tỷ đồng; lần lượt tăng 37,7% và 87,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh khả quan đến từ việc chủ động ứng phó phù hợp với trạng thái sản xuất bình thường mới. Đồng thời, giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; giá bán mặt hàng gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su tăng giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đa số các đơn vị có vốn góp của tập đoàn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, doanh thu 9 tháng năm 2021 của doanh nghiệp đạt 727 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 161 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý tháng Chín, doanh nghiệp này xuất khẩu cao su đạt 686.000 USD. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 9, công ty xuất khẩu đạt giá trị 5,65 triệu USD, tăng 166% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Cao su Tân Biên cũng có kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021 rất tích cực, với lãi sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có kết quả tăng gấp nhiều lần phải kể đến Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa. Doanh thu 9 tháng năm 2021 của doanh nghiệp đạt 243 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 68 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là trường hợp chuyển lỗ thành lãi của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk. Cụ thể, lợi nhuận 9 tháng năm 2021 của doanh nghiệp này đạt 61,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty, thông thường quý 4 sẽ có sản lượng cao su khai thác cao nhất, chiếm gần 40% sản lượng cả năm. Điều này sẽ giúp công ty duy trì được đà tăng trưởng cao trong ba quý đầu năm, cũng như được kết quả kinh doanh vượt trội trong cả năm 2021.

Nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo ACBS, ngành công nghiệp cao su thiên nhiên thời gian tới khả năng cao sẽ thiếu cung nhưng giá có thể giảm do hoạt động sản xuất ôtô bị chậm lại vì thiếu hụt nguồn cung chip điện tử, dù nhu cầu ôtô của Trung Quốc đang tăng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2021, Trung Quốc tiêu thụ 70% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 901.734 tấn.

Giá cao su giảm chủ yếu nằm ở nhóm phục vụ trong ngành ôtô, trong khi các loại cao su cấp thấp hơn có giá tăng nhẹ nhờ hoạt động sản xuất trở lại trên toàn thế giới.

Theo ACBS, dù Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên.

Các công ty cao su Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyên viên phân tích từ ACBS Huỳnh Anh Huy bình luận nhu cầu ôtô từ Trung Quốc tăng mạnh là một yếu tố tích cực cho xuất khẩu cao su nhưng sự thiếu hụt vi mạch đã hạn chế đà tăng của giá cao su do hoạt động sản xuất ôtô chậm lại.

ACBS kỳ vọng năm 2021, giá cao su bình quân sẽ cao hơn khoảng 31% so với mức trung bình năm 2020. Các doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ giá cao su tăng, trong đó có thể kể đến các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú; Tập đoàn Cao su Việt Nam hay Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa được biết đến là những doanh nghiệp đầu ngành trong trồng và chế biến cao su.

Nguồn: https://congthuong.vn/vang-trang-len-gia-doanh-nghiep-san-xuat-cao-su-huong-loi-167487.html
Tags: cao su
Tin liên quan
Chưa có thông tin