|
  • :
  • :

Bộ Công Thương: Lấy ý kiến xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự án Luật bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi).

Dự thảo xây dựng Luật gồm 7 chương và 73 điều

Tại cuộc họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục Trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ NTD – Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trong gần 10 năm thực thi Luật, công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã đặt được một số kết qủa đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, bản thân các quy định pháp luật đã bộc lộ một số quan điểm chưa phù hợp, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung và tình hình thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi NTD nói riêng.

Đặc biệt, trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... điều này dẫn đến việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, trước bối cảnh mới, Bộ Công Thương đang dự thảo xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) gồm 7 chương và 73 điều. Trong đó, bổ sung 1 chương mới là bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; Giữ nguyên, không sửa đổi 16 điều, sửa đổi 35 điều, bổ sung và thêm mới 22 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nét mới trong Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Báo cáo tại phiên họp, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết: dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD(sửa đổi) dựa trên 7 nội dung chính, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan; Hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD trong các giao dịch có liên quan; Hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn; Hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.

cuộc họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi)
Cuộc họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hà Nội

Trên cơ sở 07 nhóm chính sách đã được thông qua, tại cuộc họp, nhiều ý kiến góp ý, xây dựng cho rằng, sau 10 năm thực thi (2011-2021), đứng trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, Luật bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) cần thể hiện và đáp ứng toàn diện các yêu cầu thực tiễn. Trong đó, hạn chế tối đa sự bất cập có thể đến từ việc sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và thế giới cũng như sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới mà thời điểm xây dựng Luật chưa xuất hiện. Hạn chế sự bất cập xuất hiện do sự thay đổi của chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực khác có sự thay đổi dẫn đến sự không phù hợp, sự “vênh” giữa các văn bản pháp luật hiện hành.

Nêu ra một số hạn chế bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (2011), góp ý sửa đổi luật mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ NTD Việt Nam cho hay, luật mới phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ NTD. Đồng thời, có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD, đặc biệt xây dựng cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ NTD hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Cũng như việc cần “định vị” được vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD trong quan hệ với các Luật chuyên ngành, quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Nắm bắt bối cảnh mới với các hoạt động kinh doanh, giao dịch hiện đại, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đóng góp ý kiến và chỉ ra rằng, một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, đặc biệt là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số và khoa học công nghệ 4.0. Thêm vào đó, một số trách nhiệm bảo vệ NTD của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm NTD mới hoặc hành vi tiêu dùng mới. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới xuất hiện cũng cần được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Những vấn đề này cần được xây dựng trọng tâm trong Luật mới khi được sửa đổi.

Đối với các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, những quy định cũ còn chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tại cơ quan nhà nước cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và thiết thực của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Các ý kiến đã cơ bản đồng thuận với nội dung được thể hiện trong Dự thảo. Đồng thời gợi mở thêm nhiều nội dung để Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi được hoàn thiện một cách hiệu quả và thiết thực, phù hợp với tình hình mới. Thứ trưởng cũng yêu cầu các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bám sát các nội dung trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua để đưa ra quy định đầy đủ và là công cụ hiệu quả về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên cơ sở kết quả của Cuộc họp, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng Dự án, đảm bảo chất lượng và tiến độ của hoạt động. Theo Chương trình, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.

Thu Trang

Tác giả: Thu Trang
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-lay-y-kien-xay-dung-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-167125.html
Tin liên quan