1. Trên địa bàn huyện, rau màu được gieo trồng luân phiên với diện tích dao động từ 1.400-1.750ha. Tính đến nay, huyện có 1.175ha trồng rau ƯDCNC, trong đó có 109ha trồng trong nhà lưới, nhà màng; 244,8ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; 1.135ha sử dụng phân hữu cơ. Nhiều mô hình sản xuất rau có hiệu quả được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, huyện có 31 hợp tác xã và 95 tổ liên kết sản xuất, trong đó có 10 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; Tổ hợp tác Xuân Huy Thịnh, xã Phước Lại được cấp chứng nhận sản xuất rau hữu cơ, có 5 chuỗi an toàn thực phẩm.
Gia đình ông Trương Ngọc Thàng (xã Phước Lâm) đầu tư vốn trồng 1.000m2 cải trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Ông Thàng cho hay, cải trồng trong nhà lưới ít sâu, bệnh, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Nhờ ƯDCNC vào trồng rau, kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển hơn so với trồng rau theo cách truyền thống.
Các đơn vị khảo sát mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc
Sau nhiều năm theo đuổi nghề nuôi tôm, anh Trần Quốc Việt (xã Phước Vĩnh Tây) đã trải qua không ít thăng trầm với nghề. Thời gian gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm ƯDCNC, anh Việt đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Anh Việt chia sẻ, năm 2019, anh chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống sang nuôi tôm ƯDCNC 2 giai đoạn.
Theo anh, để đầu tư nuôi tôm hiệu quả, ngoài việc xử lý tốt nguồn nước đầu vào và tìm nguồn con giống tốt, người nuôi tôm phải quản lý tốt môi trường. Do đó, trong quá trình nuôi, anh làm ao ươm để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này góp phần tránh cho tôm bị bệnh, tiết kiệm được chi phí thức ăn. Không chỉ có vậy, tôm giống được nuôi trong ao ươm có sức khỏe và sức đề kháng cao, tôm phát triển nhanh. Chi phí đầu tư mô hình nuôi tôm ƯDCNC khá cao, tuy nhiên đổi lại việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công cao, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Hiện tại, anh nuôi 2ha tôm với quy mô 3 ao nuôi, 2 ao ươm và 3 ao lắng. Toàn bộ các công đoạn nuôi đều sử dụng máy móc, thiết bị tạo môi trường ao nuôi sạch suốt quá trình nuôi. Không những sản xuất giỏi, anh Việt còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm của mình để người dân địa phương áp dụng.
Đến nay, toàn huyện có hơn 369ha tôm nuôi nước lợ ƯDCNC. Trong đó, trên địa bàn xã Phước Vĩnh Tây có 2 điểm xây dựng mô hình nuôi tôm với hình thức bể tròn nổi, đầu tư hoàn chỉnh, áp dụng hầu hết những kỹ thuật mới nhất trong nuôi tôm như tạo khối sinh học, tuần hoàn nước và kiểm soát môi trường tự động.
2. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển nông nghiệp ƯDCNC trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp thường xuyên cung cấp các nội dung thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thông tin tình hình khí tượng - thủy văn, thời tiết, chất lượng nước và lịch vận hành các cống đầu mối để thông báo đến nông dân, khuyến cáo lịch mùa vụ, kịp thời chỉ đạo sản xuất phù hợp với từng thời điểm; kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện, nhất là hỗ trợ vốn, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật,... tạo điều kiện cho các hợp tác xã, mô hình điểm và tổ chức đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với hợp tác xã, nông dân về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Từ đó, lắng nghe những chia sẻ của nông dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực này.
Nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại huyện
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Nguyễn Phước Hùng, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đang là xu thế phát triển tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh hiệu quả đạt được, việc thực hiện chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 còn gặp một số khó khăn. Các loại dịch bệnh trên động vật nuôi và dịch bệnh nguy hiểm trên người xảy ra liên tục, nhất là dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc kết nối chuỗi cung - cầu toàn xã hội, trong đó có nông sản. Tiến độ triển khai, thực hiện ƯDCNC có chuyên môn sâu còn chậm so với yêu cầu. Tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà lưới, nhà màng của người dân và doanh nghiệp. Mô hình kinh tế tập thể đã có bước phát triển nhưng chưa thực sự trở thành động lực lớn thúc đẩy, phát triển sản xuất, nhất là trong ƯDCNC. Đầu ra của nông sản còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào thương lái.
Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện đề án nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, tổ chức thực hiện mô hình Kiểm soát, nâng cao chất lượng rau Cần Giuộc. Đồng thời, huyện tiếp tục thành lập các mô hình liên kết sản xuất theo hướng VietGAP trong trồng trọt, tiêu chuẩn ASC trong nuôi tôm nước lợ, cấp giấy chứng nhận để nâng cao giá trị nông sản thương phẩm, tăng hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện tập trung hoàn thành các công trình thủy lợi, thủy lợi gắn với giao thông nông thôn, nghiệm thu đưa vào sử dụng để phát huy công năng, phục vụ tốt sản xuất và sinh hoạt của người dân; xây dựng các chuỗi cung ứng và kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; đẩy mạnh tham gia các sàn giao dịch điện tử./.
Song Nhi