Việc xây dựng và nhân rộng các cánh đồng lớn đang gặp nhiều khó khăn
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, vụ lúa mùa và Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh xây dựng được 200 CĐL với tổng diện tích trên 14.620ha, giảm 1.191ha so cùng kỳ. Còn vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh xây dựng được 181 CĐL với tổng diện tích trên 12.060ha, giảm 2.397ha so cùng kỳ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc thực hiện các CĐL đang gặp một số vấn đề như hợp đồng ký kết chưa chặt chẽ, chưa ràng buộc các bên tham gia khi không thực hiện đúng hợp đồng; chưa có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ. Bên cạnh đó, giá lúa biến động lớn, một số công ty điều chỉnh giá chưa kịp thời; các bên chưa có sự chia sẻ hài hòa về lợi ích để bảo đảm vấn đề liên kết;...
Việc xây dựng CĐL nhằm tháo gỡ nút thắt sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún với sự tích tụ ruộng đất ngày càng nhiều hơn để sản xuất lớn; tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân để có chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo đủ sức cạnh tranh. Những năm gần đây, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp đã được đưa ra. Tuy vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp để tạo đột phá cho CĐL lại là bài toán khó. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chủ yếu vẫn là bao tiêu thu mua lúa.
“Những lợi ích của CĐL là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải hài hòa về lợi ích trong mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Bởi, để hiện đại hóa ngành Nông nghiệp thì cần duy trì và phát triển các chuỗi liên kết giá trị bền vững” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.
Minh Tuệ