Nông dân ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch lúa Hè thu. Ảnh: H.TÂN
Đảm bảo lợi nhuận
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ Hè thu năm 2021 nông dân vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu héc-ta, giảm 9.000ha; năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha, tăng 0,11 tấn/ha. Hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch lúa và ước tính tổng sản lượng cả vụ đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 124.000 tấn so cùng kỳ. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, lý giải: “Vụ này, diện tích lúa Hè thu ở nhiều địa phương có giảm, do chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích dù giảm, nhưng nhờ năng suất tăng nên bù đắp được sản lượng thiếu hụt...”.
Nông dân Hậu Giang chăm sóc lúa Thu đông. Ảnh: H.THU
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 45.000ha trong tổng số 76.616ha lúa Hè thu đã xuống giống, với năng suất bình quân ước đạt 6,38 tấn/ha. Thương lái đang thu mua lúa tươi của người dân tại ruộng với giá dao động từ 5.000-5.800 đồng/kg (tùy giống), giảm 200-300 đồng/kg so với thời điểm trước giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện tại, diện tích lúa Hè thu chưa cắt tập trung ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ.
Một trong những điểm sáng là nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, nông dân ĐBSCL sản xuất giống lúa thơm, đặc sản đạt 29,3%, tăng 3,3% so với cùng kỳ; lúa chất lượng cao đạt 48,5%, tăng 2,5%; trong khi giống trung bình chỉ còn 11,5%, giảm 4,7%; giống nếp 10,7%, giảm 1,1%... Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản (nhất là lúa thơm ST 24, ST 25) và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang có tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn trong năm 2020, giúp thương hiệu và vị thế xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển không ngừng.
Cục Trồng trọt cho biết, giá thành bình quân vụ Hè thu tạm tính là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ Hè thu 2020. Nguyên nhân do giá phân bón và vật tư đầu vào tăng. Song, nhờ thực hiện giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên chi phí giá thành sản xuất dù tăng nhưng không đáng kể và vẫn đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân cao hơn so với vụ Hè thu 2020.
Điển hình một số tỉnh thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như Tiền Giang năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 42 triệu đồng/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha, tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với vụ Hè thu 2020.
Tập trung cho vụ Thu đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 11-2021, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mekong và các sông Nam bộ. Đỉnh lũ trong năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, đỉnh lũ năm 2021 ở ĐBSCL có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc dao động ở mức 3,4m và 3,8m (xấp xỉ và trên báo động 1). Tuy nhiên, cũng cần theo dõi các biến động bất thường của thời tiết. Theo đó, cần quan tâm 2 thời điểm về tình trạng lũ nội đồng là lũ đầu vụ và lũ chính vụ. Lũ đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch vụ lúa Hè thu trong năm, ảnh hưởng hệ thống bờ bao lửng; còn lũ chính vụ tác động đến các đê bao, bờ bao bảo vệ các khu vực dân cư, lúa Thu đông, rau màu, cây công nghiệp và cây ăn trái…
Cụ thể, lũ nội đồng đầu vụ, khoảng cuối tháng 7, mực nước dự báo đạt 2,3m tại Tân Châu. Như vậy, mực nước lũ không cao và mực nước lớn nhất (từ 2-3m) chỉ tập trung ở đầu nguồn sông Cửu Long như huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân (tỉnh An Giang); huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp). Các khu vực mực nước lớn nhất đạt 1-2m chủ yếu tập trung ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven Biển Đông trong kỳ triều cường. Các khu vực ven Biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước lớn nhất dưới 1m. Với dự báo như trên, mức lũ thấp hơn năm 2018 nên ít có khả năng ảnh hưởng đến các ô bao kiểm soát lũ tháng 8. Đối với lũ chính vụ, với mức nước đạt 3,8m tại Tân Châu, trong khi hầu hết các diện tích sản xuất lúa Thu đông nằm trong ô bao kiểm soát lũ nên đều an toàn.
Từ nhận định trên, Cục Trồng trọt cho biết vụ lúa Thu đông ở ĐBSCL năm 2021 sẽ sản xuất khoảng 700.000ha, tại các khu vực đảm bảo an toàn không ảnh hưởng lũ; với sản lượng ước đạt hơn 3,8 triệu tấn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: “Cái lợi của lúa Thu đông là năng suất dự kiến tăng khoảng 1 tấn/ha và thu hoạch trong thời điểm mà thế giới thiếu gạo nên thường bán được giá. Ngoài ra, chất lượng gạo của vụ Thu đông khá tốt, vì vậy không chỉ mang lại thu nhập cao cho nông dân mà còn chủ động được lượng gạo hàng hóa chất lượng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu”. Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng lúa thơm, lúa chất lượng cao khoảng 80%; lúa trung bình 10%, còn lại là nếp…
Dự kiến diện tích sản xuất vụ lúa Thu đông 2021 của tỉnh Hậu Giang khoảng 36.700ha, năng suất 5,62 tấn/ha, sản lượng 206.080 tấn. Để đảm bảo năng suất, sản lượng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai, rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại cho cây lúa, Sở NN&PTNT tỉnh đã đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh, đợt 1 từ ngày 3 đến 9-7 và đợt 2 từ ngày 2 đến 8-8. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Mùa mưa năm nay diễn biến rất phức tạp, do đó ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh tuyên truyền để nông dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão. Một số giống lúa khuyến cáo bà con gieo sạ trong vụ lúa Thu đông là OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900, OM 18...
Ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa Hè thu thì vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày vùi rơm rạ ngay và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 20 ngày trước khi gieo sạ để tránh ngộ độc hữu cơ. Sử dụng giống thích nghi mùa vụ, giống xác nhận, sạ thưa, sạ hàng với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Kết hợp đánh nhiều rãnh thoát nước để hạn chế ngập, úng. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại. Xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, né rầy để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra. Sau khi gieo sạ nếu rầy di trú vào ruộng thì đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa để hạn chế rầy nâu chích hút và đẻ trứng. Hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhất là đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh sinh vật gây hại bộc phát ở giai đoạn sau. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng lưu ý đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa Thu đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh, cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 30-8-2021.
Bộ NN&PTNT lưu ý, ở vùng ngập sâu như Đồng Tháp Mười và một phần tứ giác Long Xuyên thì thời vụ xuống giống lúa Thu đông từ đầu tháng 7, kết thúc vào ngày 20-8, với diện tích xuống giống 410.000ha. Vùng ngập nông gồm khu vực phù sa ngọt ở sông Tiền, sông Hậu như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang... tương đối thuận lợi cho sản xuất, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, thời vụ xuống giống đầu tháng 7 và kết thúc vào ngày 10-8, diện tích đạt 145.000ha. Vùng ven biển gồm Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... thời vụ xuống giống lúa Thu đông vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, kết thúc vào ngày 30-8, với diện tích đạt 130.000ha... |
H.TÂN - H.THU