Tại buổi làm việc, phía TP Sa Đéc đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi sản xuất hoa kiểng tại địa phương. Để ngành hàng hoa kiểng thực sự phát triển mạnh mẽ gắn kết với phát triển du lịch trong thời gian tới, đòi hỏi phải đổi mới kỹ thuật lai tạo giống phù hợp với thổ nhưỡng, thay đổi giá thể trồng gọn nhẹ, nghiên cứu nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường nước ngoài để hướng đến xuất khẩu,...
Giáo sư Kazuo Watanabe nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sau thu hoạch, để xuất khẩu hoa kiểng cần tập trung sản xuất các chủng loại hoa cắt cành, nắm bắt nhu cầu giống hoa, màu hoa ưa chuộng của thị trường xuất khẩu. Giáo sư sẽ sẵn sàng hỗ trợ TP Sa Đéc đào tạo nhân lực chăm sóc bonsai để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới phục vụ phát triển làng hoa.
Làng hoa Sa Đéc có tổng diện tích 783ha với hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng, chia thành 3 nhóm lớn gồm: kiểng công trình, trang trí nội thất, kiểng cổ bonsai và hoa các loại. Khó khăn của hoa kiểng Sa Đéc hiện nay là sản xuất số lượng nhiều nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa xuất khẩu được sang các nước nên giá trị mang lại chưa cao. Bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc mong muốn, sau chuyến khảo sát thực tế tại Làng hoa Sa Đéc, Giáo sư Kazuo Watanabe sẽ có những đề xuất hữu ích hỗ trợ định hướng giúp TP Sa Đéc kết nối với những thị trường tiêu thụ lớn, khó tính ở nước ngoài, đào tạo nhân lực để phát triển ngành hàng hoa kiểng, cũng như ứng dụng công nghệ kỹ thuật lai tạo thêm nhiều giống hoa kiểng mới, nghiên cứu điều chỉnh nguồn nước tưới và sinh hoạt đảm bảo sản xuất an toàn.
Dịp này, Giáo sư Kazuo Watanabe cùng Đoàn công tác Nhật Bản có chuyến khảo sát thực tế Làng hoa Sa Đéc và làm việc với Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tìm hiểu về thực trạng phát triển làng hoa.
Trúc Nguyên