|
  • :
  • :

Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó thiên tai, đảm bảo sản xuất

Những ngày này, nước lũ đang về ở các vùng đầu nguồn ĐBSCL, đây cũng là thời điểm mà người dân các địa phương khẩn trương chuẩn bị những mô hình sản xuất để mưu sinh;

Những ngày này, nước lũ đang về ở các vùng đầu nguồn ĐBSCL, đây cũng là thời điểm mà người dân các địa phương khẩn trương chuẩn bị những mô hình sản xuất để mưu sinh; đồng thời chủ động các giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra...

Nông dân Đồng Tháp chăm sóc lúa Thu đông mùa lũ. Ảnh: H.TÂN

Cảnh báo thời tiết bất thường

Hiện nay, tại vùng ĐBSCL đã bước vào mùa mưa lũ; vì vậy tình trạng giông gió, lốc xoáy, sạt lở… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản… được Trung ương và địa phương đặt lên hàng đầu.  Mới đây, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm Trưởng đoàn, đã đến khảo sát, kiểm tra về phòng, chống thiên tai tại tỉnh Vĩnh Long.

Các địa phương trong tỉnh Hậu Giang chủ động gia cố đê bao ngăn lũ, bảo vệ sản xuất. Ảnh: H.THU

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh, thiên tai làm chết 1 người và 3 người bị thương; làm sập, tốc mái 257 căn nhà; thiệt hại 6.748ha lúa, hoa màu, cây ăn trái; có 143 điểm sạt lở nội đồng và bờ sông, làm mất 5.163m đất; thất thoát khoảng 14 tấn con giống, có 170 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, ở Vĩnh Long, thiên tai làm thiệt hại 2,25ha lúa giống; 11,85ha hoa màu; 91,36ha cây ăn trái; sập 4 căn nhà, tốc mái 97 căn... Ước tổng thiệt hại hơn 32 tỉ đồng. UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, luôn chỉ đạo sát sao thực hiện ứng phó, phòng chống thiên tai; xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, thiên tai; thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ...

Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá tỉnh Vĩnh Long có nhiều điểm nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai. Năng lực phòng, chống từng loại hình thiên tai có nhiều tiến bộ cả về con người và cơ sở vật chất. Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát lại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường dự báo tình hình thiên tai; quan tâm đến hạn, mặn và có biện pháp phòng, chống để giảm thiệt hại...

Cũng trong tháng 8-2022, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Sóc Trăng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL, nằm cuối nguồn sông Hậu, có bờ biển dài 72km với 93,76km đê biển… Thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây chủ yếu là ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa giông, lốc, sét, sạt lở, triều cường, xâm nhập mặn... Đáng lo ngại là sạt lở bờ sông, bờ biển những năm gần đây không theo quy luật, với xu thế càng tăng.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết tính đến tháng 12-2021 tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai gần 2 tỉ đồng cho hơn 230 hộ bị ảnh hưởng. Từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Kế Sách 5,3 tỉ đồng khắc phục sạt lở đê ở các cồn; huyện Long Phú 3,1 tỉ đồng khắc phục sạt lở bờ sông… Tỉnh cũng triển khai nguồn vốn khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ về chống hạn, mặn với số tiền 150 tỉ đồng thực hiện các công trình xây dựng, sửa chữa các cống, nạo vét các tuyến kênh... Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị với Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách; tổ chức diễn tập nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho lực lượng xung kích trong ứng phó, khắc phục thiên tai.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh này cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xảy ra mưa giông, sấm sét làm chết 1 người, thiệt hại 76 căn nhà, đổ ngã 3 trụ điện, thiệt hại 3ha sản xuất nông nghiệp và nhiều cây xanh; đồng thời xảy ra sạt lở bờ sông, nội đồng trên địa bàn 7 huyện, thành phố với chiều dài sạt lở khoảng 28km, diện tích mất đất 2,38ha làm ảnh hưởng đến 5 hộ dân… Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng do tác động bất thường của thời tiết, khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường; trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai đều kiêm nhiệm, trang thiết bị phục vụ chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, người dân địa phương còn thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ năng ứng phó với thiên tai, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được với yêu cầu... UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị; sớm ban hành chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do. Kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp thực hiện dự án khảo sát, đánh giá diễn biến lòng dẫn sông Tiền làm cơ sở nghiên cứu, cảnh báo sạt lở và chủ động ứng phó.

Đảm bảo an toàn lúa Thu đông

Các nhà chuyên môn phân tích, trong mùa khô năm 2022, ở lưu vực sông Mekong được xem là năm tương đối nhiều nước. Nhờ sự gia tăng dòng chảy trong mùa khô về ĐBSCL đã góp phần làm giảm xâm nhập mặn; ngoài ra còn cung cấp nguồn nước cho nông dân sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt... Cũng theo nhận định về nguồn nước về ĐBSCL trong mùa lũ năm 2022 có khả năng lớn hơn các năm gần đây; dự báo mực nước lũ ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long dao động từ báo động cấp 1 đến cấp 2; đỉnh lũ xuất hiện khoảng nửa cuối tháng 10-2022...

Trước tình hình trên, ngành chức năng và nông dân các tỉnh ĐBSCL chủ động giải pháp ứng phó với lũ một cách hợp lý. Bộ NN&PTNT cho biết, vụ lúa Thu đông mùa lũ 2022 ở ĐBSCL gieo sạ 700.000ha, sản lượng 4 triệu tấn, tăng 17.000 tấn so vụ Thu đông 2021.

Ông Trần Văn Khoa, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, bộc bạch: “Hơn 10 công lúa Thu đông đã được gieo sạ hơn tháng nay và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, điều mà nông dân làm lúa 3 vụ băn khoăn là giá phân bón còn cao, trong khi thương lái thu mua lúa hiện dao động từ 5.400-5.600 đồng/kg; với giá này sau khi trừ chi phí thì nông dân không còn lãi bao nhiêu”. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, ở các huyện sản xuất lúa Thu đông theo kế hoạch (khoảng 120.000ha) và ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ bà con ứng dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất trong điều kiện vật tư cao để bảo đảm lợi nhuận… Đây là vấn đề quan trọng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 35.000ha lúa Thu đông; trong đó, lúa ở giai đoạn trổ - chín có gần 15.000ha, giai đoạn làm đòng gần 12.000ha, diện tích còn lại là ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Đối với diện tích lúa Hè thu thu hoạch muộn, nông dân chỉ xuống giống ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện chủ động bơm, thoát nước tốt để hạn chế nước lũ gây ngập úng. Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2022 diễn biến rất phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền đến nông dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra. Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi do thời tiết ở vụ Thu đông như OM 5451, OM 18, OM 6976, OM 2517, OM 4900...

Để đảm bảo thắng lợi của vụ Thu đông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và các tỉnh ĐBSCL tiếp tục chỉ đạo sản xuất một cách quyết liệt, linh hoạt để có vụ mùa bội thu, góp phần đảm bảo lương thực trong mọi điều kiện, đồng thời thúc đẩy việc xuất khẩu. Cụ thể, về lịch thời vụ lúa Thu đông cần phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương ưu tiên sử dụng lúa thơm chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống; các giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50-60% và hạn chế xuống giống lúa nếp cũng như nhóm giống chất lượng trung bình... Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác lúa Thu đông mùa lũ, các tỉnh và nông dân cần theo dõi diễn biến của lũ, bão... Việc sử dụng phân bón trong vụ Thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão...

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, qua kết quả rà soát ở các địa phương ghi nhận diện tích lúa Hè thu 2022 bị đổ ngã do mưa là 164,9ha ở giai đoạn chín, trong đó diện tích bị thiệt hại 5ha, tỷ lệ thiệt hại trung bình từ 90-100%; chưa ghi nhận thiệt hại trên các loại cây trồng khác. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 điểm sạt lở tại huyện Châu Thành, tổng chiều dài 461m, diện tích mất đất 2.834m2, ước thiệt hại 2,062 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, giông lốc còn làm sập 15 căn nhà; tốc mái 63 căn (trong đó có 2 phòng học và 1 trụ Đài Viễn thông VNPT và 1 trụ sở UBND xã), ước thiệt hại là 1,894 tỉ đồng. Tính chung 8 tháng của năm nay, thiên tai gây thiệt hại 3,956 tỉ đồng.

 

H.TÂN - H.THU

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-ung-pho-thien-tai-dam-bao-san-xuat-114455.html
Tin liên quan