|
  • :
  • :

Đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ tổ chức hợp lý các điểm tập kết hàng hóa và vận động doanh nghiệp, HTX hỗ trợ người dân nên tình hình thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong dân tương đối ổn định.

 

Tiêu thụ nông sản theo theo hình thức combo đang được các HTX trong tỉnh đẩy mạnh. Ảnh: T. TRÚC

Trong khi nhiều HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, vẫn xuất bán gần 100 tấn hàng hóa, nông sản các loại theo hình thức thực đơn combo. Nhờ việc nắm bắt tốt xu hướng của thị trường và hỗ trợ tích cực từ địa phương, HTX đã mạnh dạn thiết kế và chào hàng các sản phẩm theo dạng thực đơn bữa ăn gia đình với combo từ 80.000-400.000 đồng. Combo là sự kết hợp của 40% sản phẩm chủ lực của HTX và 60% còn lại là các loại nông sản, thủy sản, rau củ quả của bà con trên địa bàn. Vừa tiêu thụ tốt sản phẩm của HTX vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch.

Hàng hóa nông sản được tiêu thụ dễ dàng tại các điểm tập kết hàng hóa. Ảnh: D.KHÁNH

Bà Nguyên Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: Tính đến nay, HTX đã xuất bán được 4 gói combo với gần 20.000 phần với giá từ 80.000-100.000 đồng/phần. Hiện nay HTX đã thiết kế gói combo 500.000 đồng với 11 loại sản phẩm, giúp bà con những nơi giãn cách xã hội có thể sử dụng trong khoảng 7 ngày. Mỗi loại combo của HTX cung ứng đều xoay quanh thực đơn bữa ăn gia đình gồm có: cá, thịt, trứng và các loại rau củ quả, trái cây đảm bảo dinh dưỡng. Hàng hóa để làm combo một phần là từ các sản phẩm chủ lực đạt chuẩn OCOP của HTX, số còn lại là các loại nông sản của bà con trong vùng.

Cũng theo bà Thùy, mỗi combo bán ra HTX đạt lợi nhuận chưa đến 10%. Cái chính là muốn hỗ trợ một phần khó khăn với bà con ở các vùng tâm dịch có thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày để có sức khỏe chống dịch. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho bà con trong huyện tiêu thụ các mặt hàng nông sản tồn đọng, dù bán với giá thấp nhưng không có tình trạng bị bỏ đi gây lãng phí.

Còn HTX Hậu Giang Xanh, thành phố Vị Thanh, cũng tham gia cung ứng cho chương trình combo nông sản. Từ khi tham gia đến nay đã cung ứng hơn 1.000 combo, bao gồm các sản phẩm chả cá thát lát, cá lòng tong một nắng, cá lóc non tẩm gia vị, củ cải muối, dưa mắm, rau củ, trứng… Theo lãnh đạo HTX Hậu Giang Xanh, trong thời gian khó khăn, việc cung ứng theo combo không chỉ góp phần cho HTX bán được hàng mà còn giúp người dân ở nơi khác tiếp cận hàng hóa thuận lợi hơn.

Tại huyện Phụng Hiệp, thời gian qua còn vận động được gần 50 doanh nghiệp, HTX và vựa nông sản trên địa bàn gắn kết với 28 điểm tập kết hỗ trợ bà con trong huyện tiêu thụ được hơn 9.000 tấn các mặt hàng như: thủy sản, trái cây và rau củ quả. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, huyện đã tổ chức 28 điểm tập kết lên xuống hàng hóa, ở mỗi xã, thị trấn đều có từ 2-3 điểm. Bên cạnh đó, chính quyền ở các địa phương cũng đã mạnh dạn cấp các phiếu đi đường cho các thương lái vào tận vườn để thu mua nông sản cho bà con, chính vì thế mà tình hình tiêu thụ nông sản trong huyện cơ bản ổn định.

Như vựa thu mua nông sản của anh Võ Văn Mong, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Gần 1 tháng nay nhờ gắn kết với điểm tập kết hàng hóa của thị trấn Cây Dương, đồng thời được sự hỗ trợ của các địa phương trong huyện, anh đã liên hệ với bà con trong vùng thu mua và tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 tấn trái cây và rau củ quả các loại. Anh Mong cho biết: “Mình có sẵn các mối tiêu thụ nông sản ở các tỉnh nên khi huyện công bố các điểm tập kết, vựa đã chủ động liên hệ với nông dân để thu mua nông sản cho bà con. Hàng hóa nông sản được thu mua về sẽ được gom lại các điểm tập kết. Sau đó liên hệ với các tiểu thương ở các chợ đầu mối theo luồng xanh xuống điểm tập kết để nhận hàng về tiêu thụ tại các chợ”.

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các thương lái vào địa bàn thu mua nông sản cho bà con thì thời gian qua huyện cũng tạo điều kiện và gắn kết các kênh tiêu thụ nông sản. Theo đó, khi bà con có nhu cầu bán nông sản sẽ đăng ký số điện thoại và nội dung cần bán mặt hàng gì, từ đó ngành nông nghiệp sẽ giúp bà con đăng số điện thoại đó lên trên các kênh. Qua đó giúp doanh nghiệp thấy được nhu cầu cần gì để liên hệ trực tiếp với nông dân để tiến hành thu mua. Nhờ cách làm này giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả và nhanh chóng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết: UBND tỉnh cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan và địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp hiệu quả trong tiêu thụ nông sản cho người dân trong điều kiện dịch Covid-19. Trong đó, ngành nông nghiệp và công thương tỉnh tiếp tục liên kết, kết nối với nhiều doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để góp phần tiêu thụ nông sản còn tồn đọng cho bà con. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của những đội thu gom nông sản ra các điểm tập kết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khâu vận chuyển. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ các HTX trong việc liên kết để hình thành kênh tiêu thụ nông sản theo hình thức mới như đã thực hiện. Đó là hình thức thực hiện combo cho một đơn hàng với nhiều loại mặt hàng đi kèm trong một hóa đơn đã làm rất hiệu quả. Từ những combo này đang được các HTX trong tỉnh tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Qua đây, không chỉ giúp HTX có kênh phân phối mà còn góp phần tích cực trong việc tiêu thụ hàng nông sản tồn đọng cho bà con.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã liên kết và tiêu thụ với số lượng lớn nông sản của người dân trong tỉnh. Đặc biệt thời gian gần đây, bình quân mỗi tuần có từ 3.000-3.500 tấn nông sản các loại được tiêu thụ ra thị trường. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn tồn đọng khoảng 6.500 tấn nông sản các loại; trong đó mặt hàng thủy sản là còn tồn đọng nhiều nhất.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/cong-thuong/dong-hanh-cung-nong-dan-tieu-thu-nong-san-101305.html
Tin liên quan