Chậm tiến độ đầu tư xây dựng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực kế hoạch sản xuất của EVNSPC từ đầu năm 2021 đến nay. Đặc biết, hiện nay các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, làm cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh điện của EVNSPC bị chậm tiến độ và suy giảm nặng nề.
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (bên trái) đi kiểm tra tiến độ Công trình Lộ ra 110kV Trạm 220kV Tây Ninh 2 (tỉnh Tây Ninh) |
EVNSPC cho biết, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng sửa chữa lớn của đơn vị chỉ đạt gần 20% kế hoạch, trong đó chỉ mới khởi công 7/50 công trình và đóng điện 4/59 công trình lưới điện 110-220kV. Đối với lưới điện hạ thế, đã đóng điện 149/559 công trình, dự kiến đến tháng 12/2021 đóng điện đưa vào vận hành 552/559 công trình, đạt 98,7% kế hoạch tổng công ty giao.
Theo EVNSPC, nguyên nhân chính bị chậm tiến độ và suy giảm hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh điện, do chính quyền các địa phương phải dồn lực phòng chống dịch, nên thiếu nhân lực thực hiện công tác liên quan, từ phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, đến kiểm đếm tài sản trên mặt bằng giải tỏa.
Mặt khác, việc tạm hoãn một số dịch vụ không cấp bách thời gian này, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa lưới điện, đặc biệt các công trình cấp bách, trọng điểm cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi các đơn vị thi công không huy động đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị. Từ đó, dẫn đến thiếu lao động, vật tư, vật liệu làm tiến độ thi công gián đoạn, kéo dài ảnh hưởng đến việc hoàn thành công trình… Dự báo sẽ tạo dồn áp lực rất lớn đối với ngành điện sau thời gian giãn cách.
Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn, đo vẽ thửa gặp phải khó khăn trong việc đi lại để khảo sát hướng tuyến, thăm dò địa chất cũng như làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương và người dân do quy định hạn chế đi lại và địa phương tập trung cho chống dịch.
Công trình thi công xây dựng đường dây điện 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chậm tiến độ do tác động của dịch Covid-19 |
Công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cũng gặp trở ngại do giãn cách xã hội, nên khó khăn trong thương thảo hợp đồng cũng như nhà thầu làm việc với các tổ chức tín dụng để mở bảo lãnh. Ngoài ra, hoạt động giám sát quá trình sản xuất, thử nghiệm xuất xưởng… cũng phải tạm ngưng do hạn chế đi lại.
EVNSPC cho biết thêm, hiện có 4 công trình đã đủ điều kiện đóng điện vận hành, nhưng do giãn cách xã hội nên các đơn vị không thể tiếp cận công trường để thực hiện các công việc cuối cùng phục vụ đóng điện.
Chỉ tiêu sản xuất kinh doanh suy giảm
Theo EVNSPC, cùng với việc đầu tư phát triển lưới điện bị chậm tiến độ, dịch bệnh Covid-19 còn khiến nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành điện miền Nam bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, chỉ tiêu giá bán bình quân 6 tháng năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với kế hoạch EVN giao. Nguyên nhân do việc phát triển điện mặt trời mái nhà bị ảnh hưởng, đồng thời việc thực hiện hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 cũng đã góp phần làm giảm giá bán bình quân 6 tháng đầu năm.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong 2 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố, công suất đỉnh của toàn hệ thống điện miền Nam đã giảm tới gần 3.000 MW so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Đánh giá chung, mức độ tiêu thụ điện ở khu vực miền Nam đã giảm khoảng 17% về công suất đỉnh và giảm 15% về sản lượng điện ngày so với mức trung bình ngày thường của tuần trước đó. Đáng chú ý, mức độ tiêu thụ điện của khu vực miền Nam được dự báo, sẽ tiếp tục duy trì giảm trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố.
Các tỉnh phía Nam kéo dài thực hiện giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVNSPC |
EVNSPC cho biết, lũy kế 6 tháng năm 2021 sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam là 39,66 tỷ kWh, đạt 50,05% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao (79 tỷ 250 triệu kWh). Tuy vẫn đạt theo kế hoạch, nhưng trong tháng 7 và 8, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất. Do đó, dự báo sản lượng điện tiêu thụ của cả năm 2021 sẽ tác động không nhỏ đến chỉ tiêu điện thương phẩm.
Mặt khác, trong khi lực lượng công nhân đang mỏng lại phải chia ca kíp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, việc di chuyển phương tiện giữa các khu vực, địa bàn khác nhau để khắc phục, sửa chữa điện cũng gặp nhiều khó khăn vì qua các chốt kiểm dịch, phương tiện chuyên dụng lại không thể vào được.
Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình trong các khu vực cách ly nhưng lại đang sử dụng công tơ cơ, không thể đo ghi từ xa, nên việc thu thập dữ liệu mất thêm thời gian, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng, thu tiền điện trong năm 2021 cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng đình trệ sản xuất, kinh doanh, một số khách hàng nằm trong khu vực phong toả, cách ly xã hội.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC - cho biết, tập thể lãnh đạo và các cán bộ công nhân viên trong toàn đơn vị đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính và quan trọng hơn cả là nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế xã hội tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam giai đoạn hiện nay và sau khi kết thúc giãn cách, phục hồi kinh tế.
Minh Khuê