|
  • :
  • :

Giảm nghèo còn nhiều thách thức

Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn đối diện không ít thách thức.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Giảm nghèo còn nhiều thách thức

Cần quan tâm giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc

Cụ thể, ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu như năm 1993 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1% thì đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo bền vững vẫn đối diện không ít thách thức. Trong Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, đã nêu: Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; một số nơi tỉ lệ hộ nghèo cao, đời sống khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo...

“Báo cáo Nghèo đa chiều năm 2021” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện đưa ra con số đáng chú ý, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%. Theo ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại…

Vấn đề quan trọng để giảm nghèo bền vững là các cấp, các ngành quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.
Thanh Tâm
 
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn: https://congthuong.vn/giam-ngheo-con-nhieu-thach-thuc-252934.html
Tin liên quan