|
  • :
  • :

Giúp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp mới trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phù hợp và hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang” cho thấy thực trạng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Từ đó, đưa ra những giải pháp mới để mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động này.

Trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao với đầu ra ổn định.

Liên kết là yêu cầu cần thiết

Nông nghiệp luôn được xem là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) tại tỉnh luôn đạt mức cao. Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều kết quả ấn tượng. Tỉnh đã xác định được 5 loại nông sản chủ lực là: lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát và lươn đồng, để tập trung sản xuất với quy mô và điều kiện phù hợp.

Tuy giàu tiềm năng, nhưng nền nông nghiệp Hậu Giang vẫn chủ yếu phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm còn thấp. Giá trị của một số loại nông sản chưa được tối ưu hóa do tỉnh chưa có các doanh nghiệp chế biến nông sản sâu đủ mạnh. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất chủ yếu dựa trên thói quen, kinh nghiệm truyền thống. Các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp tuy có phát triển nhưng còn ít. Do đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản là điều hết sức cần thiết.

Ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh có 244 hợp tác xã, trong đó có hơn 200 hợp tác xã nông nghiệp. Trung bình mỗi năm phát triển khoảng 30 hợp tác xã mới, nhiều hợp tác xã đã xuất khẩu trực tiếp. Về chính sách, tỉnh cũng đầu tư cho người dân thông qua mô hình hợp tác xã. Từ đó, thu hút nguồn lực để tất cả người dân từng bước tham gia vào hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã nông nghiệp được xác định là một mắc xích quan trọng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của Hậu Giang trong giai đoạn tới”.

Trước thực tế đó, năm 2020, tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp mới trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phù hợp và hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang”. Đề tài do TS. Khổng Tiến Dũng làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì. Thực hiện đề tài, ban chủ nhiệm đã tiến hành phân tích thực trạng liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đánh giá hiệu quả của các mô hình liên kết hiện nay trên địa bàn, tập trung vào mô hình hợp tác xã kiểu mới. Từ đó, đề xuất các giải pháp mới trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Đóng vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả cao hơn

Đề tài đã tiếp cận và xác định ba đối tượng nghiên cứu chính là lúa chất lượng cao, mít và chanh không hạt, là những nông sản chủ lực theo đúng định hướng của tỉnh. Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành khảo sát những nông hộ có hoặc chưa tham gia vào mô hình liên kết. Khảo sát các tác nhân chính trong mô hình liên kết như hợp tác xã, doanh nghiệp và các tác nhân hỗ trợ khác. Đề tài tập trung nghiên cứu tại các địa phương tiêu biểu trong việc sản xuất các nông sản chủ lực này để suy rộng kết quả nghiên cứu cho toàn tỉnh.

Qua nghiên cứu, đề tài xác định chuỗi giá trị lúa chất lượng cao tại tỉnh có 9 kênh thị trường, trong đó có 3 kênh liên kết ngang và 6 kênh liên kết dọc. Còn với chanh không hạt, nông hộ không tham gia hợp tác xã có 7 kênh thị trường, nông hộ tham gia hợp tác xã có 4 kênh thị trường. Đối với chuỗi giá trị mít, có 14 kênh thị trường nếu phân bán theo từng loại mít, 6 kênh nếu tổng hợp kênh của các loại. Ban chủ nhiệm đề tài cũng chỉ ra thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu trong liên kết, tiêu thụ các loại nông sản này.

Với vai trò quan trọng trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hợp tác xã nông nghiệp tại Hậu Giang ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ. Trong đó, có khoảng 30% số hợp tác xã đang hoạt động khá tốt, mang lại lợi nhuận cao và tạo cơ hội việc làm cho các thành viên hợp tác xã. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hợp tác xã có năng lực tổ chức hạn chế, năng lực cạnh tranh kém. Điều kiện cơ sở hạ tầng thấp, dễ bị tác động bởi giá cả vật tư và nông sản không ổn định. Đề tài chỉ ra rằng, để phát triển hợp tác xã, trong giai đoạn tới, cần có sự đầu tư về nguồn lực và tổ chức, cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý.

Ban chủ nhiệm đề tài đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với nông dân, với doanh nghiệp, công ty thu mua, các hợp tác xã, tổ hợp tác và các sở, ban, ngành liên quan trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đề tài xác định việc nâng cao nhận thức của nông dân về tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị là điều rất quan trọng. Các thành phần tham gia chuỗi giá trị cũng cần tập trung, thực hiện đúng các cam kết trên cơ sở hài hòa lợi nhuận giữa các bên. Chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Theo TS. Khổng Tiến Dũng, chủ nhiệm đề tài: “Tiếp thu ý kiến của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá, thẩm định, chúng tôi sẽ tiến hành chỉnh sửa theo hướng mà Hội đồng đưa ra. Hoàn thiện đề tài để đưa ra những giải pháp mới thiết thực, tạo cơ sở cho việc liên kết và tiêu thụ nông sản của tỉnh trong giai đoạn tới”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/giup-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-nong-san-hieu-qua-115851.html
Tin liên quan