Hiện nay, lúa Hè Thu đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ
Khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, vụ lúa HT năm 2021, toàn tỉnh gieo sạ trên 220.470ha, trong đó đã thu hoạch gần 118.000ha, năng suất khô ước đạt 51 tạ/ha, sản lượng trên 600.000 tấn; diện tích còn lại chưa thu hoạch tập trung chủ yếu ở huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu mua, vận chuyển lúa gặp nhiều khó khăn. Do vậy, giá lúa thấp, một số thương lái còn hủy hợp đồng.
Hiện nay, lúa IR50404 từ 4.600-5.000 đồng/kg, OM5451 từ 4.600-4.800 đồng/kg, ST24 từ 6.100-6.200 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.000-6.100 đồng/kg; nếp IR4625 từ 4.200-4.600 đồng/kg.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha chia sẻ: “Khoảng 15 ngày nữa huyện sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, trong khi thương lái tại địa phương chỉ có thể mua khoảng 30% diện tích, còn lại chủ yếu là thương lái từ các nơi khác đến nhưng hiện nay, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khó khăn nên các thương lái không đến thu mua. Trước thực trạng này, huyện đề nghị các địa phương phải có sự thống nhất về những loại giấy tờ, điều kiện vận chuyển, giao thương hàng hóa, hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa”.
Huyện Mộc Hóa có 21.600ha lúa HT, trong đó đã thu hoạch gần 11.000ha, diện tích còn lại đang giai đoạn thu hoạch. Qua ghi nhận, hiện nay, tình hình tiêu thụ lúa tại huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Giá lúa đầu vụ dao động từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, nay chỉ còn trên 5.000 đồng/kg,…
Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh đề nghị Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm thu hoạch, tiêu thụ nông sản.
Riêng ngành Nông nghiệp tỉnh đang kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ chỉ đạo cơ quan dự trữ quốc gia thu mua lúa, gạo tạm trữ gấp và cần có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay cho doanh nghiệp tạm trữ gạo. Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn thủ tục cụ thể. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, Đông Xuân và ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành trong năm 2021.
Liên kết tạo đầu ra ổn định
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho việc tiêu thụ lúa HT gặp nhiều khó khăn nhưng một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh lại thu hoạch và tiêu thụ lúa rất dễ dàng bởi có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và chủ động nguồn nhân lực trước khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, HTX Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) ngay từ đầu vụ lúa HT đã ký kết với 2 doanh nghiệp bao tiêu khoảng 1.700ha, giống OM18, giá bao tiêu thông báo trước 15 ngày là 6.200 đồng/kg. Trước khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, Ban Giám đốc HTX Hương Trang hợp đồng 4 máy gặt đập liên hợp tại tỉnh Tiền Giang, đội bốc vác khoảng 30 người và 1 đội ghe. Theo đó, HTX tổ chức đăng ký nhân công lao động, tổ chức test nhanh định kỳ; đồng thời, làm giấy xác nhận với UBND xã cho nhân công thu hoạch lúa.
Đại diện HTX Hương Trang - Trần Văn Sữa chia sẻ: “Hiện nay, HTX thu hoạch được hơn 60% diện tích, với giá 6.200 đồng/kg, năng suất bình quân 6,8 tấn/ha, dự kiến số lúa còn lại sẽ được thu mua với giá 5.700 đồng/kg, cao hơn ở bên ngoài khoảng 500 đồng/kg. Ngoài bao tiêu sản phẩm của các thành viên, HTX còn thu mua khoảng 2.000 tấn lúa của nông dân bên ngoài nhằm chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa”.
Còn HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) đã thu hoạch gần 460ha lúa HT với giống Đài thơm 8, năng suất 6,5 tấn/ha. Cũng như HTX Hương Trang, HTX Nông nghiệp Gò Gòn không gặp khó khăn trong việc thu hoạch, vận chuyển lúa. Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX quyết định chỉ sử dụng nhân công của địa phương, bình quân mỗi đội 5 người; đồng thời, tổ chức cho từng đội làm việc riêng để bảo đảm phòng, chống dịch”.
Với sự chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời của các HTX, nhất là liên kết bao tiêu sản phẩm đã tạo điều kiện cho việc thu mua, vận chuyển lúa HT được dễ dàng trong tình hình dịch bệnh. Và đây chính là “điểm sáng” trong việc tiêu thụ nông sản, góp phần nâng giá trị sản phẩm./.
Kim Ngọc