|
  • :
  • :

Hậu quả của việc sản xuất tự phát, manh mún

Thời gian qua, điệp khúc “được mùa mất giá”, “ được giá mất mùa” cứ lặp đi, lặp lại trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Nhiều loại cây ăn quả của tỉnh vẫn khó khăn đầu ra do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

“Điệp khúc buồn” vẫn tái diễn

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Long An đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng phát triển cây ăn quả. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển tự phát, phát triển diện tích cây ăn quả ồ ạt không theo quy hoạch khiến việc liên kết, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn và đưa người nông dân vào tình cảnh phụ thuộc vào thương lái.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện đạt gần 27.000ha, trong đó diện tích cây chanh là gần 11.000ha, cây thanh long gần 11.700ha, còn lại là chuối, bưởi, mít, sầu riêng, xoài, ổi,…

Diện tích cây ăn quả tăng nhanh, sản lượng lớn cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá thu mua các loại quả giảm sâu. Theo các nhà vườn, năm trước giá bán chanh tại vườn 15.000-18.000 đồng/kg, thì năm nay chỉ còn hơn 3.000-4.000 đồng/kg; giá thanh long năm nay có lúc cũng đã giảm chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, giảm hơn 4-5 lần so với những năm trước.

“Được mùa mất giá” không chỉ tác động đến vùng cây ăn quả diện tích lớn mà cả những cây ăn quả không phải cây trồng chủ lực như mít, chuối cũng nằm trong tình trạng này. Theo nhiều người trồng mít, năng suất mít tại vườn năm nay đạt khá cao với năm trước, nhưng giá thu mua tỷ lệ nghịch với năng suất. Ông Nguyễn Văn Bốn, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ cho biết: “Năm nay do mít được mùa nhưng thương lái chỉ thu mua với giá chỉ khoảng 6.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn ở xã Bình Lãng đã chọn cách bán lẻ để giữ giá mít trên 10.000 đồng/kg”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân là do tình trạng nông dân sản xuất tự phát, không theo bất cứ một tiêu chuẩn an toàn nào. Cụ thể, ngoài cây thanh long với diện tích trên 11.700ha được cấp mã số vùng trồng thì trong gần hơn 15.000ha cây ăn quả còn lại mới chỉ có 173,11ha chanh 86,2ha xoài; 190ha chuối; trên 3.360ha dưa hấu được cấp mã số vùng trồng.

Do đó, nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,… Tuy nhiên, về lâu dài, ngành tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó trọng tâm là nêu cao vai trò của các hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.514 ha (67 cơ sở) được chứng nhận VietGAP trên các sản phẩm lúa, rau, quả; cụ thể: Lúa: 469,5 ha (7 cơ sở), rau: 105,01 ha (23 cơ sở), quả: 939,94 ha (37 cơ sở).

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Long An, muốn giải được bài toán “được mùa mất giá” người dân cần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cụ thể là chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển theo chiều sâu gắn với nhu cầu của thị trường. Có như vậy thì, những “điệp khúc buồn” sau những mùa vụ bội thu mới không còn tái diễn.

Ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái

Thời gian gần đây, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa,…đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra,...sang nuôi tôm thẻ vì lợi nhuận cao. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến thời điểm hiện tại, có gần 294ha đất lúa, mặt nước ao nuôi cá tra,… được nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Huyện Mộc Hóa hiện có gần 116ha với 68 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (có 16ha chuyển từ nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ). Đây là một loại thủy sản nước lợ nhiều năm qua đã được ngành ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nuôi hạn chế nuôi tại vùng nước ngọt. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một số nông dân đã tự ý khoan giếng tìm mạch nước lợ bơm xuống ao, rồi xử lý muối loãng để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Văn Thuận (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) có 0,5ha mặt ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông cho biết: “Do nuôi ca tra giống nhiều vụ liền không hiệu quả nên tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua mấy vụ nuôi, tôm cho hiệu quả rất tốt, trung bình mỗi vụ (khoảng 2 tháng) tôi có lợi nhuận trên 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư ban đầu). Mỗi năm nuôi khoảng 4 vụ, lợi nhuận hơn 1,2 tỉ đồng”.

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp Mười tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác hại

Chính từ lợi nhuận cao như thế nên diện tích nuôi tôm thẻ tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh vẫn tiếp tục tăng, nhất là khi giá cá tra giống đang xuống thấp, nhiều hộ nuôi cá tra vì vậy sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ.

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: Để nuôi được tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, nhiều người dân đã khoan giếng để lấy nước mặn. Mô hình sản xuất này bước đầu có thể hiệu quả do đây là vùng có hệ sinh thái ngọt chưa có mầm bệnh, điều kiện môi trường tốt nhưng về lâu dài, việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm và việc thải nước nhiễm mặn từ ao nuôi tôm này ra các vùng nước ngọt sẽ để lại hệ lụy rất khó lường đối với môi trường khi đất và nước bị nhiễm mặn.

“Việc khoan giếng lấy nước ngầm nhiễm mặn để nuôi tôm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm và có khả năng gây sụt lún. Về lâu dài, ngoài việc thẩm thấu của nước nhiễm mặn vào đất thì việc xả nước thải từ các ao nuôi tôm ra môi trường sẽ gây nguy cơ nhiễm mặn sâu vào các vùng nước ngọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của các loại cây trồng khác, nhất là cây lúa” - ông Toàn cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/hau-qua-cua-viec-san-xuat-tu-phat-manh-mun-a123873.html
Tin liên quan