Tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất
Những ngày gần tết, dù công việc tất bật nhưng anh Lê Thanh Bình (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) rất phấn khởi bởi năm qua là một năm thắng lợi với nông dân. Niềm vui không chỉ bởi giá lúa tăng cao, nông dân có lợi nhuận lớn mà còn vì năng suất, chất lượng lúa ngày càng được nâng lên. Theo anh Bình, trước đây, nông dân vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, năng suất lúa thấp. Không những thế, mỗi vụ thu hoạch còn xảy ra tình trạng thương lái ép giá. “Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất lúa ƯDCNC, người dân áp dụng mang lại năng suất ổn định hơn trước” - anh Bình chia sẻ.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân
Hiệu quả từ việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân. Điều quan trọng hơn, việc ƯDCNC đã và đang định hình cho một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Anh Trần Thế Phong (xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường) bộc bạch: “Khi tham gia mô hình ƯDCNC, nông dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến từ khâu gieo sạ đến thu hoạch, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”,... Qua đó, giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích canh tác, nông dân cũng dần thay đổi thói quen canh tác theo hướng hiện đại”.
Thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, vụ Đông Xuân 2022-2023, thị xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai, thực hiện các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC mang lại hiệu quả cho nông dân. Trong đó, mô hình hỗ trợ giá lúa giống xác nhận cho 3 xã: Bình Hiệp, Bình Tân và Thạnh Trị với diện tích 152,5ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 1,5-2 triệu đồng/ha; mô hình xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại phường 2 với diện tích 100ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình hơn 3 triệu đồng/ha; xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC tại xã Tuyên Thạnh với diện tích 50ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình gần 10 triệu đồng/ha.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp thị xã phối hợp Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam-VinaRice triển khai mô hình sản xuất lúa giống (cấy bằng máy) tại một số xã trên địa bàn. Vụ Hè Thu năm 2023, thị xã triển khai, thực hiện 6 mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ trong vùng sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 60ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,3-5 triệu đồng/ha; phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai 4 mô hình hỗ trợ giá lúa giống xác nhận cho các xã: Tuyên Thạnh, Bình Hiệp, Bình Tân và phường 2, với diện tích 160ha; tiếp tục triển khai mô hình xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại phường 2.
Để Chương trình đột phá Xây dựng vùng lúa chất lượng cao ƯDCNC mang lại hiệu quả, cùng với công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến nông dân, thị xã còn tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như nạo vét kênh, phát triển hệ thống trạm bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng các hình thức liên kết sản xuất cũng như xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Phát triển nông nghiệp bền vững
NQ Đại hội Đảng bộ thị xã Kiến Tường lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương với mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn thị xã đạt 5.032ha lúa ƯDCNC.
Thị xã Kiến Tường dành nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, để hoàn thành chỉ tiêu NQ đề ra, thị xã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.
Trong đó, thị xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là tuyên truyền các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân, gắn việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, UBND thị xã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã đăng ký thương hiệu mặt hàng nông sản; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, thị xã Kiến Tường quyết tâm thực hiện thành công Chương trình Xây dựng vùng lúa chất lượng cao ƯDCNC, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững./.
Thông tin từ UBND thị xã Kiến Tường, năm 2023, tổng diện tích gieo sạ lúa toàn thị xã đạt 14.431ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, sản lượng lương thực đạt 203.927 tấn/năm, đạt 120% chỉ tiêu nghị quyết, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 180.306 tấn/năm, đạt 150,3% chỉ tiêu nghị quyết. Năm 2023, tình hình tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, sản xuất lúa đạt hiệu quả khá cao, giá bán tăng so cùng kỳ. Chương trình Xây dựng vùng lúa chất lượng cao ƯDCNC tiếp tục cho thấy hiệu quả vượt trội. Ngoài cây lúa, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn thị xã cũng mang lại hiệu quả với hơn 811ha chủ yếu là dưa hấu, mè, sen,... Nuôi thủy sản tiếp tục duy trì ổn định với hơn 304ha mặt nước. |
Kiên Định - Tuấn Hùng